Vụ án Vạn Thịnh Phát: 3 bị can người nước ngoài giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan

Như Báo SGGP đã thông tin, trong vụ án Vạn Thịnh Phát vừa được Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã dùng các thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Thủ đoạn này có sự giúp sức, tham gia của nhiều cá nhân; trong đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định có 3 doanh nhân nước ngoài (gồm cả chồng bà Lan).

Chu Lập Cơ giúp sức cho vợ, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỷ đồng

Những doanh nhân nước ngoài bị C03 cáo buộc giúp sức tích cực cho Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm: Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Times Square, chồng bà Lan); Lee George Lam (cựu thành viên HĐQT SCB, đang bỏ trốn); Henry Sun Ka Ziang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn).

Bị can Lee George Lam

Bị can Lee George Lam

Trong vụ án, C03 đề nghị truy tố ông Chu Lập Cơ tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” với vai trò giúp sức cho vợ, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỷ đồng. Theo kết luận, ông Chu Lập Cơ là cổ đông chính (chiếm 99,26% cổ phần, là chủ tịch), giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty cổ phần Đầu tư Times Square.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2012 đến tháng 12-2014, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Times Square thực hiện thủ tục lập các hồ sơ vay vốn khống để giải ngân cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.000 tỷ đồng. Dù đến hạn nhưng các khoản nợ không được trả, không có nguồn thu hồi gốc.

Thời điểm đó (năm 2017), ông Cơ đã ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông để tiếp tục dùng tài sản tại dự án mà Công ty cổ phần Đầu tư Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay các khách hàng đang vay vốn tại SCB, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa là hơn 35.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 17-10-2022, còn 46 khoản vay của 46 khách hàng tại SCB với dư nợ gốc là hơn 19.500 tỷ đồng, nợ lãi hơn 19.600 tỷ đồng. Tổng cộng dư nợ là hơn 39.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng trị giá tài sản đảm bảo của các khoản vay mà ông Cơ ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn SCB là hơn 30.000 tỷ. Do đó, C03 cáo buộc ông Cơ liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỷ đồng. Đến nay, người này mới chỉ nộp 1 tỷ đồng khắc phục.

Lee George Lam và Sun Henry Ka Ziang đang bỏ trốn

Cùng với đó, C03 làm rõ hành vi của ông Lee George Lam đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB. Cụ thể, với vai trò của mình, ông Lee George Lam đã ký 8 biên bản biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 66 khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát và 68 tài khoản vay tại SCB có dư nợ hơn 28.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 25.000 tỷ đồng nợ lãi. Trong đó, tổng các tài sản bảo đảm các khoản vay mà người này ký để hợp thức là hơn 34.000 tỷ đồng.

Bị can Sun Henry Ka Ziang

Bị can Sun Henry Ka Ziang

C03 cho rằng, ông Lee George Lam đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện chiếm đoạt tiền của SCB qua việc tham gia ký, phê duyệt các khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, liên đới gây thiệt hại hơn 19.000 tỷ đồng.

Sun Henry Ka Ziang (thành viên HĐQT SCB) cũng bị cáo buộc lạm dụng chức vụ quyền hạn để giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện đoạt tiền của SCB và liên đới gây thiệt hại số tiền hơn 462.000 tỷ đồng. Hiện nay, 2 bị can Sun Henry Ka Ziang và Lee George Lam đã xuất cảnh, chưa biết ở đâu, và cũng chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự đối với 2 người này. C03 đã tách vụ án và tạm đình chỉ điều tra liên quan tới 2 cá nhân trên.

Cựu cán bộ ngân hàng chỉ đạo làm sai

Kết luận điều tra thể hiện, khi đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước được lập ra để thanh tra SCB, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) đã chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn và tổ tổng hợp xây dựng hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, trong đó có nội dung bỏ ngoài và không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB.

Ông Hưng khai rằng, việc này là để tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu. Hành vi của ông Nguyễn Văn Hưng dẫn đến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm tại SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Quá trình đó, ông Hưng đã nhận hối lộ tổng số tiền 390.000 USD từ SCB.

Tin cùng chuyên mục