Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện cậu bé Hào Anh bị hai vợ chồng chủ nhà mà em làm thuê và cả người làm của họ đánh đập hết sức dã man. Hiện chính quyền đã vào cuộc, những kẻ từng tra tấn em rồi sẽ phải trả giá trước pháp luật, nhưng nỗi đau tinh thần mà em phải chịu liệu có phai mờ theo năm tháng?
Từ lúc 12 tuổi em đã phải đi làm thuê, em không hề được hưởng quyền lợi cơ bản của trẻ em theo như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Luật BVCSGDTE) đã quy định. Liệu rằng một gia đình do không nuôi nổi con đã phải cho con đi làm thuê để tự nuôi thân - sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng em đàng hoàng hay là sau một thời gian rồi đâu lại vào đó?
Người mẹ của em đáng thương nhưng cũng thật đáng trách. Có người mẹ nào mà xa con đằng đẵng hai năm trời lại không một lần đến thăm để nhìn con mình sinh sống thế nào? Cho dù có vất vả cơm áo gạo tiền đến đâu thì cũng không thể bỏ mặc con mình như thế. Chị đã quá vô trách nhiệm với con! Bé Hào Anh có thể trở về sống bình an với gia đình được hay không, theo tôi, là vấn đề cần được các đoàn thể địa phương quan tâm hơn nữa.
Điều 40: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt |
Trường hợp của Hào Anh là trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 40 - Luật BVCSGDTE), phải làm việc xa gia đình, đã vậy còn bị nhà chủ hành hạ, tra tấn và những chấn thương tinh thần sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến em. Em phải được chăm sóc trong một môi trường an toàn, phải được học để đảm bảo tương lai về sau.
Vì lợi ích của em, tôi tha thiết mong các cấp chính quyền và đoàn thể tại địa phương em sinh sống tạo điều kiện cho em được ở trong một gia đình tốt hơn hoặc ở trong một cơ sở chăm sóc cho trẻ em. Không phải tôi nghĩ xấu cho chị, nhưng mẹ Hào Anh ơi, với một gia đình con chung con riêng và phải chạy ăn từng ngày thì chị có bảo đảm được cuộc sống tốt cho cháu hay không? Và với một gia đình đang túng thiếu thì số tiền mọi người quyên góp giúp em có được sử dụng đúng mục đích?
Theo tôi, trường hợp đau lòng của em Hào Anh còn có nguyên nhân từ nạn tảo hôn (mẹ em Hào Anh lấy chồng khi mới 17 tuổi, rồi sinh hai con, rồi gia đình tan vỡ, phải đi bước nữa… ). Chính vì thế, các đoàn thể địa phương như MTTQ, hội phụ nữ cần phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình, góp phần phổ biến pháp luật sâu rộng hơn và người cán bộ phải gần dân hơn. Như thế, sẽ không còn những gia đình nheo nhóc con cái đến mức không thể nuôi nổi.
Bên cạnh đó, pháp luật phải nghiêm minh, trừng trị thẳng tay những kẻ mất hết nhân tính như vợ chồng Thơm - Giang để làm gương cho kẻ khác. Việc một cháu bé bị ngược đãi một thời gian dài mà chính quyền sở tại không biết, thật đáng lên án, lộ rõ tình trạng quản lý lỏng lẻo.
HOA MAI (Bình Thạnh)