Vụ hồi gia bằng hồ sơ giả: Chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát

Ngày 24-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM cho biết đã chuyển hồ sơ vụ án “chạy” bảo lãnh hồi gia xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, trụ sở tại 463 Nơ Trang Long phường 13 quận Bình Thạnh) sang Viện KSND TPHCM. Hoạt động của đường dây bị phanh phui từ loạt bài điều tra
Vụ hồi gia bằng hồ sơ giả: Chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát

Ngày 24-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM cho biết đã chuyển hồ sơ vụ án “chạy” bảo lãnh hồi gia xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, trụ sở tại 463 Nơ Trang Long phường 13 quận Bình Thạnh) sang Viện KSND TPHCM. Hoạt động của đường dây bị phanh phui từ loạt bài điều tra “Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia” đăng trên báo SGGP vào cuối năm 2011.

  • Có tiền = được hồi gia

Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (viết tắt Trung tâm HTXH) có chức năng tiếp nhận hỗ trợ, chăm sóc ban đầu cho những người không nơi nương tựa, sống lang thang trong thành phố. Trong thời gian chăm sóc ban đầu, trung tâm sẽ xem xét hoàn cảnh từng người, tạo điều kiện giúp đỡ họ về địa phương, gia đình; đưa vào các trung tâm bảo trợ thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM hoặc vận động đưa đi định cư lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới...

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý nôn nóng muốn người thân sớm được hồi gia của người nhà trại viên, một số nhân viên của Trung tâm HTXH gạ gẫm sẽ “lo” cho trại viên sớm được thả ra với điều kiện phải “lót tay”. Địa điểm giao dịch thường là tại quán cà phê Kim Khánh (đối diện trung tâm). Quả thật, không ít trại viên dù không đủ điều kiện vẫn được xét cho hồi gia sau khi gia đình “chung chi” đầy đủ.

Nhận được thông tin trên, nhóm phóng viên của Báo SGGP tiếp cận anh T.V.P. - người nhà của trại viên N.T.T.H., động viên anh trình báo cơ quan công an về việc nhân viên của trung tâm hứa hẹn giúp chị H. được cho về với giá 17 triệu đồng. Chiều 27-11-2011, Nguyễn Thanh Tâm (24 tuổi, nhân viên bảo vệ của Trung tâm HTXH) và Dương Hữu Thành (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đang nhận tiền từ anh P. tại một quán nhậu trên đường Nơ Trang Long phường 12 quận Bình Thạnh thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt quả tang. Từ lời khai của Tâm và Thành, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tiếp những đối tượng có liên quan. Sau đó, vụ việc được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM.

  • Cấu kết chặt chẽ

Lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy các bị can đã cấu kết nhau hình thành đường dây phạm tội với sự phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, Nguyễn Tấn Thành (46 tuổi, nhân viên bảo vệ của Trung tâm HTXH) trực tiếp tiếp xúc trại viên hoặc người nhà của trại viên để gợi ý việc “chạy” bảo lãnh hồi gia. Trong một số trường hợp, Nguyễn Thọ Minh Cường (38 tuổi, chủ quán cà phê Kim Khánh) đóng vai trò môi giới cho Thành gặp người muốn xin bảo lãnh cho người thân.

Theo quy định, người bảo lãnh khi làm đơn phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, phải cùng chung hộ khẩu với trại viên hoặc phải có giấy tờ chứng minh có quan hệ thân nhân. Hầu hết người nhà trại viên không có những giấy tờ này nên Dương Hữu Thành làm giả sổ tạm trú, đơn xin bảo lãnh có xác nhận của chính quyền địa phương với nội dung sai sự thật là trại viên và người bảo lãnh cùng ngụ một nơi.

Việc xác nhận khống này được thực hiện với sự giúp sức của Lưu Văn Như (56 tuổi, nguyên Phó Công an xã Vĩnh Tân huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai) và Lại Văn Hùng (51 tuổi, công an viên của xã Vĩnh Tân huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, phụ trách đăng ký tạm trú).

Sau khi hồ sơ giả được nộp vào Trung tâm HTXH, Nguyễn Tấn Thành nhờ Phan Ngọc Anh (51 tuổi, nguyên Trưởng phòng Quản lý giáo dục - Hồ sơ của Trung tâm HTXH) lưu ý, xem xét giải quyết cho trại viên được hồi gia. Anh biết rõ tiền Thành đưa cho mình là lấy từ người nhà trại viên nhưng vẫn nhận. Tổng cộng, trước khi bị bắt, đường dây này đã “chạy” trót lọt cho 7 trường hợp được hồi gia không đúng quy định, hưởng lợi 84 triệu đồng.

Ngoài ra, có 3 trường hợp trại viên đủ điều kiện nhưng Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Thanh Tâm vẫn “vẽ” để lấy của người nhà trại viên 25,2 triệu đồng. Trên thực tế, Thành và Tâm không cần làm gì, trại viên cũng được xét cho hồi gia. Đồng thời, biết rõ 1 trại viên bị bắt trong khi đang đi xin ăn thì không được bảo lãnh, Nguyễn Tấn Thành vẫn hứa hẹn với người nhà sẽ giúp đỡ để nhận 15 triệu đồng rồi chiếm đoạt.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố ra trước tòa án để xét xử đối với Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Thanh Tâm, Phan Ngọc Anh, Nguyễn Thọ Minh Cường, Dương Hữu Thành, Lưu Văn Như, Lại Văn Hùng về các tội Nhận hối lộ, Làm môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

ÁI CHÂN

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia

 

- Phản hồi loạt bài Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Báo SGGP giúp chúng tôi làm trong sạch nội bộ

- Bài 1: Sáng đưa tiền, chiều về nhà 

- Bài 2: Phá án

- Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách

Tin cùng chuyên mục