Trong khi dư luận vẫn chưa đồng nhất xung quanh dự án xây dựng mới BV Nhi đồng 2 mà Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (chủ đầu tư) đề xuất, thì phía lãnh đạo BV Nhi đồng 2 đã phản đối. Đồng thời, qua tìm hiểu cho thấy chủ đầu tư đã “trình” sai sự thật với Thủ tướng Chính phủ khi cho rằng BV Nhi đồng 2 không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và việc xây mới là “nguyện vọng tha thiết của tập thể Đảng bộ, cán bộ công nhân viên chức BV Nhi đồng 2”. Trong khi, mục đích của chủ đầu tư là “xẻ thịt” bệnh viện để được ưu tiên mua nhà, đất dôi dư.
- Sai sự thật
Rà soát lại tài liệu mà Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đệ trình lên Chính phủ và đối chiếu với những ý kiến từ lãnh đạo phía BV Nhi đồng 2, PV Báo SGGP nhận thấy có một số nội dung mà chủ đầu tư “báo cáo” không phù hợp với thực tế. Ngày 29-6-2009, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đã ký tờ trình số 69-09/CTHĐQT-BTL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở mới BV Nhi đồng 2. Tại tờ trình này, ông Lâm cho rằng “…Hiện tại, bệnh viện (tức BV Nhi đồng 2) phải tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 lượt bệnh nhi mỗi ngày, sự quá tải này cùng với thời gian dài sử dụng cơ sở vật chất từ năm 1867 (do Pháp để lại) cho đến nay đã hơn 1 thế kỷ, dẫn đến bệnh viện đã xuống cấp trầm trọng không đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo, khám chữa bệnh cho các bệnh nhi…”.
Với nhận định trên, chứng tỏ phía công ty chưa nghiên cứu rõ về hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngay trong văn bản phúc đáp Sở Y tế và Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2, khẳng định “…Quy hoạch bệnh viện là việc làm cần thiết, tuy nhiên để xây mới toàn bộ bệnh viện vì cơ sở vật chất xuống cấp thì không phải là nhu cầu bức xúc hiện tại của BV Nhi đồng 2”. BS Tuấn phân tích, mặc dù bệnh viện đã được Pháp xây dựng trên 100 năm nhưng với sự đầu tư của UBND TP, và từ vốn sự nghiệp, bệnh viện vẫn tiếp tục nâng cấp cải tạo để duy trì cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng được nhu cầu cho bệnh nhân. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa mới đầu tư từ nguồn vốn của UBNDTP và từ quỹ phát triển sự nghiệp vẫn còn mới và đang hoạt động hiệu quả.
Không chỉ nhận định sai thực tế hoạt động của bệnh viện, phía Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa cũng “tự quyết” khi trình lên Thủ tướng Chính phủ rằng “Việc xây dựng mới BV Nhi đồng 2...đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, cũng như nguyện vọng tha thiết của tập thể Đảng bộ, cán bộ công nhân viên chức BV Nhi đồng 2”.
Điều này là không đúng thực tế vì phía tập thể BV Nhi đồng 2 chưa hề có biểu quyết đi đến thống nhất “nguyện vọng tha thiết” xây dựng mới BV Nhi đồng 2. BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho rằng khi xây mới bệnh viện không chỉ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc bệnh nhân, mà còn hệ lụy đến đời sống của cán bộ công chức trong bệnh viện. Chính vì vậy mà trong công văn 435/BVNĐ 2-CV ngày 4-9-2009 trả lời Sở Kế hoạch - Đầu tư về chủ trương xây mới BV Nhi đồng 2, BS Tuấn nói rõ “…không nhất trí xây mới lại toàn bộ bệnh viện…”.
- “Xẻ thịt” để lấy “vàng”
Theo tài liệu mà PV Báo SGGP có được, ngày 29-6-2009, Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở mới BV Nhi đồng 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (B.T). Một tháng sau, ngày 28-7-2009, Văn phòng Chính phủ có công văn 5083/VPCP-KTN gửi UBND TPHCM truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là “UBND TPHCM xem xét, giải quyết đề nghị của Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa theo thẩm quyền và quy định hiện hành”. Sau đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Y tế xem xét chủ trương đầu tư xây dựng mới BV Nhi đồng 2 mà phía chủ đầu tư đề xuất.
Và sau khi bàn thảo, các sở ngành nói trên đã ủng hộ chủ trương xây mới BV Nhi đồng 2 (Báo SGGP ngày 24-9 đã thông tin). Trình tự thủ tục như trên là đúng quy định. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, phía chủ đầu tư cho rằng việc xây dựng mới BV Nhi đồng 2 là tâm nguyện của toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa mong muốn được góp phần cùng xã hội…
Điều đó có nghĩa mục đích mà phía công ty hướng tới là an sinh xã hội, vì cộng đồng trẻ em bệnh tật. Vậy nhưng, với đặc thù của một công ty kinh doanh, Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đã không ngần ngại khi “Trình Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên cho Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa được mua theo giá thị trường để Nhà nước thu hồi nguồn vốn đầu tư xây dựng” (trích tờ trình Thủ tướng Chính phủ của tổng công ty).
Như vậy là đã rõ, mục tiêu khi trình Thủ tướng Chính phủ mà Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đặt ra là sau khi “xẻ thịt” BV Nhi đồng 2 để xây dựng mới sẽ thu gom những phần nhà, đất dôi dư còn lại quanh khu đất “vàng” này
TƯỜNG LÂM
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: Đi ngược nguyên tắc Tất cả các cơ sở y tế muốn thay đổi chức năng, muốn trùng tu, xây dựng mới là phải nằm trong quy hoạch của chính quyền. Khi quy hoạch rồi, nếu cần thiết chính quyền kêu gọi đầu tư chứ không bao giờ làm cái ngược lại là doanh nghiệp thấy miếng đất nào phù hợp rồi “chìa” ra để chính quyền đi theo. Đó là làm ngược. Về vấn đề mà dư luận nêu, tôi không biết chính quyền kêu gọi hay doanh nghiệp đề xuất. Tôi không nói đúng hay sai, nên làm hay không nên làm, tôi chỉ nói về nguyên tắc. Vấn đề phát triển y tế - giáo dục là chuyện của chính quyền chứ không phải của thị trường. Điều này tôi đã phát biểu trước Quốc hội rồi. |
Thông tin liên quan:
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa: Đất “vàng” mà không biết xài!
Vụ “xẻ thịt” Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM- Sở ngành đã “gật đầu”!
Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM: Xây mới hay “xẻ thịt”?