Vui buồn chồng Tây

THU HỒNG
Vui buồn chồng Tây

Chuyện lấy chồng nước ngoài xem ra lúc nào cũng “nóng”. Vài bữa lại thấy có bài viết so sánh đàn ông Tây với đàn ông Việt. Số lượng đông đảo và nội dung bình luận trên các diễn đàn mạng hay ngoài đời phần nào phản ánh quan niệm của xã hội ta về việc lấy người ngoại quốc, mà theo tôi, còn khá ấu trĩ do thiếu thông tin và trải nghiệm, thiếu cởi mở, thiếu bao dung và trong nhiều trường hợp, thiếu giáo dục cả về văn hóa và pháp luật.

Chồng tôi là người Thụy Điển. Gần chục năm nay, tôi và chồng đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chỉ duy nhất một lần bị hỏi: “Ông kiếm nó ở Thái Lan à?”. Lão kia say khướt chứ không chúng tôi lôi vào bốt cảnh sát rồi. Nhưng ở ngay trên đất nước mình, tôi lại hay phải chịu những ánh mắt dò hỏi và thậm chí những câu nói cay độc, kiểu như đàn bà Việt mà đi với trai Tây thì đương nhiên hoặc là vì tình dục, hoặc vì tiền. Nhớ có lần tôi hỏi giá và mặc cả một món đồ cổ chồng thích mà người bán hét giá trên trời, anh này bảo: “Em kiếm được của bọn nó thì cũng phải cho bọn anh kiếm với chứ”. Bạn bè tôi, những người cũng lấy chồng nước ngoài, đều có kinh nghiệm tệ hại tương tự dù trên thực tế, gia đình chúng tôi còn khá giả hơn gia đình chồng, có người còn giàu hơn chồng vài chục lần. Để tránh khó chịu, khi đi mua sắm, vợ chồng tôi thường đi riêng, nếu đi cùng thì tôi là người trả tiền. Dần dần, tôi học cách không thèm để ý đến những thể loại vô giáo dục như vậy nữa.

Những người theo trường phái “tây hơn ta” thì lại quá đà. Nhiều người quan niệm “Phải lấy Tây chứ không lấy mấy thằng dở hơi Việt Nam, chỉ biết gác chân xem ti vi trong khi vợ hùng hục việc nhà, có khi còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

Chồng tôi quả thật biết làm mọi thứ, từ kiếm tiền đến rửa bát, nấu ăn, đi chợ, đưa đón con đi học, sửa sang đèn đóm xe cộ và phụ giúp công việc của tôi. Bằng cấp thấp hơn vợ nhưng anh luôn động viên tôi học cao lên và rất tự hào về vợ. Lúc vợ đi gặp bạn bè thì anh ở nhà trông con dù cũng chẳng thích trông con một mình. Nhưng tôi có phải chỉ ngồi chơi xơi nước hưởng thụ đâu? Tôi cũng phải tìm cách kiếm tiền, cũng phải cơm nước, chăm sóc con cái. Nhà là nhà chung, con là con chung, việc là việc chung, không chia nhau cùng làm thì ai làm? Cũng có lúc chồng tôi ganh tị với cánh đàn ông Việt đấy: “Họ chả phải làm gì. Anh thì làm mọi thứ mà em vẫn phàn nàn”. Tôi bảo: “Anh trả tiền thuê người giúp việc, mời bà nội về đây bế cháu đi rồi hãy so sánh”. Thế là thôi!

3 bố con rất thích vui đùa cùng nhau  Ảnh: THU HỒNG

Những khác biệt về văn hóa, truyền thống trong nuôi dạy con cái cũng gây nhiều mâu thuẫn. Trời lạnh, chồng vẫn cho con ăn mặc phong phanh. Tôi lo con ốm thì anh bảo: “Lo vớ vẩn. Chả ai chết vì lạnh cả”. Con sốt cao, uống thuốc vừa hạ sốt được vài phút thì cho tắm bồn mấy tiếng đồng hồ đến khi nước lạnh ngắt. Đêm đến chúng nó sốt đùng đùng. Trách thì chồng bảo: “Sốt là do virus chứ liên quan gì đến tắm”. Con ho sù sụ mà sáng sớm ra chúng nó đòi ăn kem bố vẫn cho. Chẳng nhẽ cãi nhau suốt ngày? Tôi đành bảo: “Tùy anh, nếu con ốm anh tự chăm nhé”. Giận thì nói thế nhưng con bệnh, hai vợ chồng vẫn cùng lo cho con. Lại có những chuyện anh phải nhịn và làm theo ý tôi dù trong lòng không đồng ý.

Cũng như các cặp thuần Việt thôi, chúng tôi cũng có vui, có buồn, có giận dỗi cãi cọ. Nhưng chúng tôi không bao giờ đánh chửi nhau. Chẳng có thiên đường, cũng chẳng có địa ngục, nếu có thì là do mình tưởng tượng ra chứ chả phải do một anh tây hay anh ta nào. Cuộc sống mà, ở đâu cũng vậy. Biết gạt đi ích kỷ cá nhân, trân trọng những gì mình có thì gia đình hòa thuận, vui vầy.


THU HỒNG

Tin cùng chuyên mục