Cháy có thể xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, “bà hỏa” không phân biệt thời gian và không gian. Theo thống kê của cơ quan PCCC thì những ngày tết lại thường xảy ra cháy và thường cháy ở khu vực dân cư. Vì những ngày tết do nhu cầu sử dụng điện, đun nấu nhiều, thắp nhang thờ cúng, đốt giấy vàng bạc, trẻ em nghịch lửa, tập trung nhiều hàng hóa nên dễ gây ra cháy và cháy lớn.
Điển hình như vụ cháy vào mùng 1 Tết năm 1997 tại khu dân cư ở phường 1 (quận 5) làm thiệt hại trên 200 căn nhà, khiến hàng ngàn người lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Nguyên nhân do đốt nhang thờ cúng gây cháy. Gần đây, đêm 19-1-2019, xảy ra cháy lớn tại chợ Đông Hương trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đây là chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, diện tích lên tới 16.000m2, có trên 700 điểm kinh doanh cố định và 500 điểm kinh doanh không cố định. Vụ cháy đã thiêu rụi 6 ki-ốt và gây thiệt hại cho nhiều sạp hàng lân cận…
Để vui xuân an toàn, ngăn ngừa nạn cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong dịp tết một cách triệt để, Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM) đề nghị các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; Quy ước PCCC trong gia đình; cam kết thực hiện tốt Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Đối với hộ gia đình:
- Chủ hộ phải nhắc nhở, đôn đốc các thành viên trong gia đình thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC.
- Không tồn chứa trong nhà nhiều chất cháy và chất dễ cháy. Đặc biệt, nghiêm cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại pháo nổ. Bố trí sắp xếp chất dễ cháy đảm bảo khoảng cách an toàn, xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Kiểm tra, rà soát hệ thống điện trong nhà nhằm đảm bảo an toàn PCCC.
- Khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thờ cúng) phải có người trông coi. Trước khi đi ngủ và rời khỏi nhà phải kiểm tra hệ thống điện, nơi thờ cúng, nấu nướng, tắt hết nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Có phương án xử lý về cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ phù hợp.
- Mỗi hộ dân nên trang bị trong nhà ít nhất một bình chữa cháy xách tay, thang dây, dụng cụ phá dỡ để thoát nạn khi xảy ra cháy nổ.
Đối với cơ sở (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng hóa, khu chế xuất, khu công nghiệp):
- Người đứng đầu cần tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC.
- Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC; khắc phục các thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC.
- Quản lý chặt các nguồn nhiệt gây cháy.
- Bố trí, sắp xếp hàng hóa đảm bảo an toàn PCCC.
- Lập và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Rà soát, bổ sung đầy đủ lực lượng và phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH:
- Tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm, cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, khu dân cư, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC cho cơ sở và người dân.
- Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực bảo vệ tại khu vực tổ chức các hoạt động của thành phố. Xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn tại nơi vui chơi, giải trí, tập trung đông người.
- Lực lượng trực đảm bảo 100% quân số theo đầu phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
- Khi có sự cố về cháy nổ xảy ra, mọi người nhanh chóng thông báo đến lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TPHCM, theo số điện thoại 114 hoặc (028) 39 200 996.
Tết Nguyên đán là tết truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, là thời gian để mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động, là lúc để mọi người thăm hỏi lẫn nhau, vui chơi giải trí. Vì thiệt hại do cháy khó lường, chỉ một thoáng chủ quan, một giây bất cẩn là cháy có thể xảy ra và làm nhiều tài sản, của cải vật chất trở thành tro bụi; do đó rất mong người dân, doanh nghiệp luôn luôn ghi nhớ: “Vui xuân chớ quên phòng cháy chữa cháy” để những ngày tết được trọn vẹn, hạnh phúc đong đầy.