WHO khuyến cáo cảnh giác bệnh liên quan đến đường hô hấp ở châu Âu

Phát biểu với báo giới tại Copenhagen (Đan Mạch) ngày 16-1, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Henri P. Kluge đã kêu gọi nâng cao cảnh giác trong bối cảnh gia tăng số ca mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở châu Âu, đồng thời kêu gọi hệ thống y tế của các nước  sẵn sàng chuẩn bị trước nguy cơ gia tăng hơn nữa số ca mắc bệnh.

Châu Âu đối mặt với tỷ lệ nhiễm cúm tăng gấp 4 lần từ tháng 11 đến tháng 12. Ảnh: THX
Châu Âu đối mặt với tỷ lệ nhiễm cúm tăng gấp 4 lần từ tháng 11 đến tháng 12. Ảnh: THX

Tại châu Âu, số ca nhập viện được báo cáo đã tăng 58% và số ca nhập phòng hồi sức tích cực (ICU) tăng 21% so với hai tuần trước đó, với tỷ lệ nhiễm cúm tăng gấp bốn lần từ tháng 11 đến tháng 12-2023.

Theo Viện quốc gia về Môi trường và Y tế cộng đồng - một cơ quan nghiên cứu độc lập của Hà Lan, nước này hiện đang đối phó với sự gia tăng số ca mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo cơ quan nghiên cứu của Hà Lan, số liệu gần đây cũng cho thấy số ca mắc cúm gia tăng, với gần 35% số mẫu xét nghiệm lấy từ những người có các triệu chứng giống cúm cho kết quả dương tính. Tuần trước, con số này là 13%.

Tại Italy, giới chức nước này cho biết hệ thống y tế của Italy đang chịu áp lực nặng nề do làn sóng lây nhiễm cúm tồi tệ nhất trong vòng ít nhất 15 năm qua. Chính phủ Tây Ban Nha mới đây đã yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại các cơ sở y tế của nước này trước tình trạng gia tăng mạnh số ca mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Hãng tin Euronews dẫn nguồn tin từ WHO cho biết, ít nhất 1,4 triệu người tại châu Âu đã được cứu sống nhờ các loại vaccine ngừa Covid-19, đồng thời tái khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn đang hiện hữu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu khuyến nghị người dân ở nhà nếu có triệu chứng cúm hoặc Covid-19, tuân thủ các hướng dẫn quốc gia về tiêm chủng dành cho các nhóm dễ tổn thương.

Ông Hans Henri P. Kluge một lần nữa khuyến nghị rằng những người có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng, chẳng hạn như những người lớn tuổi hoặc bị suy giảm miễn dịch, nên tiêm vaccine tăng cường từ 6 đến 12 tháng sau liều gần đây nhất.

Làn sóng bệnh hô hấp bùng phát tại châu Âu trong bối cảnh hệ thống y tế tại nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh… cũng đang gặp khủng hoảng nhân lực với các cuộc đình công của nhân viên y tế đình công về lương và chế độ làm việc.

Tin cùng chuyên mục