Xã đảo Thạnh An đổi thay

Với bốn phía là nước đã cản trở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, từ khi xã đảo này xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi cuộc sống người dân với nhà văn hóa, trường học, cơ sở nuôi trồng thủy sản… 

Có điện quốc gia

Điện quốc gia chính là “bệ phóng” giúp xã đảo xây dựng các tiêu chí NTM. Từ khi có lưới điện quốc gia, đời sống người dân trên đảo “lột xác”. 
Ngược trở lại 10 năm trước khi xây dựng NTM, vào ban đêm, nhà nào cũng leo lét ánh đèn dầu. Hiếm lắm mới có nhà sử dụng bóng đèn điện.

Nhà nào có ti vi sẽ “phục vụ” cho nhiều nhà xung quanh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã xây dựng mới tuyến cáp ngầm vượt biển 22kV, với mức đầu tư gần 167 tỷ đồng, cung cấp điện cho toàn xã đảo Thạnh An, đồng thời cải tạo mạng lưới điện. Đối với người dân ở ấp Thiềng Liềng, ngành điện lắp điện mặt trời để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Xã đảo Thạnh An đổi thay ảnh 1 Nhờ có điện quốc gia, bà Nguyễn Thị Hiền đã đầu tư máy làm kem tươi 
phục vụ trẻ em xã đảo 
Trong những ngày cuối tháng 9 này, dưới thời tiết oi bức, trước nhà nghỉ Quyên Quyên rất đông trẻ em đứng chờ mua kem tươi từ chiếc máy làm kem. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang thưởng thức món ăn vặt dưới không khí mát rượi từ những quạt máy treo tường đang quay qua thổi lại.

Bà Nguyễn Thị Hiền (chủ nhà nghỉ Quyên Quyên) nhớ lại: “Trước kia có điện là nhờ trạm phát điện dầu diesel, nên sử dụng rất hạn chế, chủ yếu là ti vi, quạt máy. Sau khi có điện quốc gia, gia đình mạnh dạn đầu tư vào nhà nghỉ nào là lắp máy lạnh, wifi, đèn trang trí… để phục vụ du khách. Nhờ vậy, gia đình cũng tăng thu nhập”.

Là người dân xã đảo, ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, vui mừng tâm sự, sau khi có lưới điện quốc gia, nhiều nhà đã đầu tư “cần câu” để phát triển kinh tế như máy hàn, máy làm bánh, máy làm nước đá…

Nông dân mạnh dạn mua nhiều thiết bị phục vụ nuôi trồng và cơ sở chế biến thủy sản. Hai năm trở lại đây, nhiều nhà dân cải tạo thành nhà nghỉ, quán ăn phục vụ du khách; đồng thời phát triển các sản phẩm đặc trưng của đảo để du khách mang về làm quà.

Hàng tuần có khoảng gần 1.000 du khách tìm đến. Trước khi thực hiện chương trình NTM, thu nhập bình quân đầu người là 14 triệu đồng/người/năm; năm 2018 thu nhập đạt 53 triệu đồng/người/năm và xã phấn đấu năm 2019 đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Chung tay góp sức

Năm 2011, xã Thạnh An chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Năm 2015, xã được công nhận NTM giai đoạn đầu. Đến tháng 6-2019, xã đạt 17 tiêu chí. Ông Đặng Hoàng Sơn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện chương trình NTM, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến về mọi mặt kinh tế - xã hội, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Mặt khác, xã Thạnh An còn được các mạnh thường quân hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà đột nát; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Trong đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM xây mới 77 căn nhà và sửa chữa 79 căn, hỗ trợ 9 máy thông tin liên lạc, 150 suất học bổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; UBND quận Phú Nhuận xây mới 10 căn nhà và sửa chữa 27 căn, nâng cấp hạ tầng giao thông trị giá 1,4 tỷ đồng; UBMTTQ Việt Nam TPHCM xây mới 8 căn; Hội Nông dân TPHCM xây mới 10 căn; Hội Chữ thập đỏ TP tổ chức đoàn đến khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà hộ nghèo...

Cùng với đó là xây mới đường giao thông dọc biển; công trình nâng cấp, sửa chữa đường đê bao, kết hợp đường dân sinh ở ấp Thiềng Liềng; nâng cấp cầu Đá Ngầm, xây mới cầu đò Thiềng Liềng và hệ thống thoát nước ở khu dân cư.

Năm 2012, xã thành lập HTX Nông nghiệp - dịch vụ muối Thiềng Liềng, được Sở NN-PTNT TP hỗ trợ và đầu tư 69.000m2 bạt nhựa cho 30 xã viên và 5 hồ chứa nước trạt (100m3/hồ), phục vụ cho quá trình sản xuất muối.

Nhờ vậy, đến nay xã có khoảng 70ha sản xuất muối trải bạt, sản lượng bình quân đạt 80 tấn muối/ha. Song song đó, HTX còn tổ chức thu mua khoảng 200 tấn muối/mùa vụ và có lãi từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng hướng dẫn các tổ hợp tác khác lập hồ sơ đăng ký thương hiệu, đưa sản phẩm vào các chợ, siêu thị nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, các trường học, trạm y tế được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn quốc gia.

Tin cùng chuyên mục