Xác lập vị trí, thẩm quyền của “thành phố trong thành phố”

TP Thủ Đức được kỳ vọng là cực tăng trưởng của TPHCM, là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 30% GRDP của TPHCM, tương đương 7% GDP của cả nước.

Kỳ vọng đối với TP Thủ Đức cũng được Bộ Chính trị thể hiện rõ tại Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khi định hướng về việc tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho TP Thủ Đức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cho TP Thủ Đức.

Chật chội trong chiếc áo quận, huyện

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ, TP Thủ Đức đã sớm hình thành bộ máy chính quyền địa phương và quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ. Trung ương và TPHCM cũng đặc biệt quan tâm, cho chủ trương phân cấp, ủy quyền và một số cơ chế phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng, thế mạnh của địa phương.

Song qua hơn 2 năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có được cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng, khơi thông điểm nghẽn nhằm chủ động quyết định các vấn đề liên quan đến sự phát triển của địa phương.

TP Thủ Đức nhiều tiềm năng phát triển nếu cơ chế chính sách được khơi thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TP Thủ Đức nhiều tiềm năng phát triển nếu cơ chế chính sách được khơi thông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đánh giá của TPHCM và các chuyên gia, hiện bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức như bộ máy cấp huyện, trong khi có tính chất của một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Điều này cản trở rất lớn đến sự phát triển của địa phương. Chẳng hạn, Phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức đang thực hiện chức năng của 3 đơn vị (Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Sở GTVT), đang quản lý gần 6.150 tuyến đường, hẻm, 177 cầu, 231km cống thoát nước, 64 công viên… trên địa bàn rộng. Cùng với đó, khối lượng công việc khá cao. Năm 2022, phòng xử lý gần 8.000 hồ sơ hành chính, nhưng phòng chỉ có 56 cán bộ, công chức.

Ngoài ra, qua quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay, một số cơ quan như Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Đội Thanh tra trật tự xây dựng… cần được tổ chức lại với chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển. Với cơ chế hiện nay, công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị cũng chưa thống nhất đầu mối quản lý, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xử lý công việc.

Từ những bất cập đó cho thấy, nhu cầu thành lập các phòng chuyên môn theo đặc thù phát triển của TP Thủ Đức là cần thiết. Song, việc thành lập mới các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện chưa được quy định tại pháp luật hiện hành.

Cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn

Tại tờ trình của Bộ KH-ĐT trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Bộ KH-ĐT nhận định, thực hiện việc phân cấp, ủy quyền tạo sự chủ động cho TP Thủ Đức, đồng thời kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cũng như khuyến khích sự năng động, sáng tạo của TP Thủ Đức.

Tương tự, UBND TPHCM nhận định, nếu TP Thủ Đức có cơ chế chính sách đột phá sẽ tạo tác động kinh tế mạnh mẽ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, chủ động giải quyết được các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố.

Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương cho phép HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM quyết định giao một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong một số lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ công chức, viên chức.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Thủ Đức ước đạt gần 20.000 tỷ đồng. UBND TPHCM tính toán, dự kiến sau khi được trao thẩm quyền ở các lĩnh vực trên, TP Thủ Đức sẽ thu hút được rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực cả trong và ngoài nước, nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ tăng cao, là cơ sở quan trọng để đáp ứng mục tiêu mà TPHCM và cả nước kỳ vọng.

UBND TPHCM cũng kiến nghị HĐND TPHCM được quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức. Cùng với đó, TPHCM được xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Ngoài ra, HĐND TP Thủ Đức được phép thành lập Ban Đô thị trực thuộc HĐND TP Thủ Đức. Theo UBND TPHCM, HĐND TP Thủ Đức cũng cần có thêm phó chủ tịch là 2 người (thay vì 1 người như hiện nay) và có không quá 8 đại biểu chuyên trách.

Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức cần được bổ sung thêm phó chủ tịch, nhưng không quá 4 người (thay vì 3 người như hiện nay).

* Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức:

Tác động tích cực, mạnh mẽ

Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có đề xuất nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Đây là nội dung rất quan trọng, giúp TP Thủ Đức giải quyết công việc kịp thời, đồng bộ, góp phần đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị có chủ trương giao HĐND TPHCM quyết định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn. Do đó, việc TPHCM đề xuất giao thẩm quyền cho HĐND TPHCM xác định các cơ quan chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức cùng các chức năng, nhiệm vụ phù hợp là điều cốt lõi nhằm vận hành chính quyền TP Thủ Đức trơn tru hơn, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang thực hiện chính quyền đô thị.

Ngoài những nội dung đề xuất cụ thể cho TP Thủ Đức, nhiều đề xuất của TPHCM nếu được thông qua thì TP Thủ Đức sẽ vận dụng hiệu quả. Đó là đề xuất về thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thể dục thể thao; phát triển đô thị đồng bộ với hệ thống giao thông, nhất là giao thông công cộng.

Với những đề xuất này, TP Thủ Đức có thêm điều kiện để kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của địa phương cũng như phát triển hệ thống giao thông đô thị đồng bộ trên cơ sở TPHCM phát triển đô thị dọc các tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường Vành đai 3…

* TS. NGUYỄN THỊ THU HÒA, Khoa Chính trị - Hành chính, ĐHQG TPHCM:

Mạnh dạn thí điểm cơ chế thủ trưởng hành chính

Việc ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy TP Thủ Đức phát triển là rất cần thiết. Nhìn lại sau hơn 2 năm thành lập, chúng ta chưa thấy sự thay đổi rõ nét ở TP Thủ Đức. Nguyên nhân đã được chỉ rõ, chủ yếu do bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức chưa phù hợp.

TP Thủ Đức sẽ tự chủ và tự quản nếu được phân cấp, ủy quyền quyết định một số lĩnh vực. Nghĩa là cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp chính quyền; bảo đảm cho chính quyền TP Thủ Đức tự chủ về ngân sách, tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường…

Hoặc, Trung ương nên mạnh dạn tổ chức cơ quan hành chính cho TP Thủ Đức theo thiết chế thủ trưởng hành chính, người đứng đầu là thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục