Xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng – thực tiễn từ TPHCM: Lấy con người làm trung tâm

Thời gian qua, TPHCM đã rất linh hoạt trong đầu tư và tăng cường liên kết, phối hợp trong an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, trong đó có các chính sách về BHXH.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, gắn với nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm. Chính sách an sinh xã hội cũng được TPHCM chú trọng thực hiện suốt nhiều nhiệm kỳ qua, trong đó, “đảm bảo an sinh xã hội” là một nội dung quan trọng được thành phố thực hiện trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao phương tiện sinh kế cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao phương tiện sinh kế cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TPHCM diễn ra trong tháng 7-2023, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhấn mạnh đến các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu TPHCM phải triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn với các hoạt động an sinh xã hội cho người dân. Thành phố phải tăng được số người tiếp cận BHYT, BHXH để đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn. Đồng thời, có giải pháp kết nối việc làm, đảm bảo cho người dân có “đề kháng” tốt, có thể chịu đựng những “cú sốc” có thể xảy ra về kinh tế, về dịch bệnh.

Trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phấn đấu vận động quỹ đạt 40 tỷ đồng và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố sẽ vận động đạt được trên 125 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để tiếp tục chăm lo các nhu cầu còn thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương giảm nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là chuẩn bị công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 đến người khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện học nghề, trao tặng học bổng; hỗ trợ thẻ BHYT cho người khó khăn.

Thời gian qua, TPHCM đã rất linh hoạt trong đầu tư và tăng cường liên kết, phối hợp trong an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, trong đó có các chính sách về BHXH.

Theo Giám đốc BHXH TPHCM Lò Quân Hiệp, BHXH TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, đồng thời huy động nguồn lực xã hội để tặng BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. 9 tháng năm 2023, BHXH TPHCM đã tặng 361 sổ BHXH, 2.940 thẻ BHYT cho người dân. Đến tháng 9 năm 2023, toàn thành phố có hơn 7.935.800 người tham gia BHYT, đạt 89,17% dân số tham gia BHYT.

Cùng với ngành BHXH, các địa phương, ban ngành trên địa bàn TPHCM cũng chú trọng thực hiện yêu cầu này. Chẳng hạn như TP Thủ Đức hoàn tất kế hoạch tổ chức chương trình tặng 1.000 thẻ BHYT cho người dân thuộc các hộ khó khăn (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10); phối hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt tổ chức khám bệnh cho 1.000 trẻ mồ côi vì dịch Covid-19, trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các chính sách an sinh xã hội khác cũng được chú trọng thực hiện, trong đó Ban Dân tộc TPHCM phối hợp các địa phương chủ động tổ chức thăm, tặng hơn 20.920 phần quà đến đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn, công nhân, sinh viên khó khăn với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng (nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 7,1 tỷ đồng).

Ban Dân tộc TPHCM cùng hội quán người Hoa trao tặng nhà tình thương cho đồng bào Hoa tại quận 11, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Dân tộc TPHCM cùng hội quán người Hoa trao tặng nhà tình thương cho đồng bào Hoa tại quận 11, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG


Dự báo thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, song để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao. Dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4-2023 cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,69%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ.

Kết nối an sinh xã hội và chính sách việc làm

Dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, tìm hướng đi mới để đảm bảo việc làm cho người lao động. Trong 3 năm qua, bất chấp tác động của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu hàng năm của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Công ty Intel) chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TPHCM. Công ty Intel đã đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu và tạo ra hơn 7.000 việc làm cho người lao động.

Theo ông Ooi Kim Huat, Tổng Giám đốc Công ty Intel, năm 2023, Công ty Intel vẫn tiếp tục duy trì tiền thưởng hiệu suất với mức 500 USD cho mỗi nhân viên trong hai quý, để động viên và giữ chân nguồn nhân lực.

Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức) từng là đơn vị cho người lao động nghỉ việc luân phiên do thiếu đơn hàng, thì vài tháng nay đã cho công nhân tăng ca trở lại. Số giờ tăng ca chưa nhiều, nhưng đây là niềm vui và là nỗ lực của công ty khi có các giải pháp chuyển mình để tiếp cận các thị trường mới, tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng trong những tháng cuối năm. Kết quả khảo sát của Sở LĐTB-XH TPHCM tại 2.513 doanh nghiệp cho thấy, hơn 51% doanh nghiệp cho biết từ quý 3-2023 có tăng mới lao động. Từ những cách làm tích cực của doanh nghiệp, trong tháng 9-2023, số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 28,4% so với tháng 8-2023. Để kết nối, giải quyết nhu cầu việc làm, trong những tháng cuối năm, Sở LĐTB-XH sẽ tổ chức 12 sàn giao dịch việc làm, trong đó có 2 sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật và 1 sàn giao dịch trực tuyến kết nối với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Lê Thị Kim Thúy cho biết, trong bối cảnh lao động khu vực phi chính thức phát triển nhanh, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiều nỗ lực nhằm tiếp cận lực lượng khu vực này. Hiện Công đoàn TPHCM đã tập hợp được hơn 8.470 lao động vào 148 nghiệp đoàn ở nhiều ngành nghề, với mong muốn người lao động khu vực phi chính thức sẽ xem nơi này là điểm tựa khi họ gặp khó khăn. Đây cũng sẽ là nơi giúp họ ổn định việc mưu sinh, được hỗ trợ vấn đề về pháp lý.

An sinh xã hội vì dân

Với quan điểm đặt mục tiêu hạnh phúc và sự phát triển của người dân ở trung tâm, hệ thống an sinh xã hội đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, mô hình phúc lợi xã hội trong hơn 3 thập niên qua theo khuynh hướng kết hợp giữa mô hình phúc lợi của nhà nước và sự tham gia của các yếu tố thị trường vào việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi cơ bản. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng cũng bộc lộ rõ hạn chế khi xảy ra những cú sốc về dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Vì vậy, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nghị quyết mới về chính sách xã hội với nhiều nội dung đổi mới, bổ sung quan trọng, bám sát tình hình thực tiễn, lấy “yên dân” là sự thể hiện quan điểm, chủ trương được xác định rõ ràng về mô hình an sinh xã hội theo khuynh hướng mô hình nhà nước phúc lợi. Đây sẽ là cơ sở triển khai nhóm chính sách xã hội các địa phương nhằm khắc phục được thách thức của hệ thống an sinh bị chia cắt về mặt vận hành và chính sách không bao phủ hết các thành phần dân cư như thời gian qua.

Đây sẽ là cơ sở triển khai nhóm chính sách xã hội các địa phương nhằm khắc phục được thách thức của hệ thống an sinh bị chia cắt về mặt vận hành và chính sách không bao phủ hết các thành phần dân cư như thời gian qua.

Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn sẽ là một bước rất dài. Suy cho cùng, đầu tư cho hệ thống an sinh xã hội không chỉ là yên dân mà còn mở ra những lợi ích thiết thực trong việc thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao khi các địa phương có hệ thống an sinh xã hội tốt, phù hợp với những chuẩn mực nhân văn của các đô thị hiện đại.

TPHCM, vốn được biết đến với nhiều mô hình đột phá đi đầu cả nước trong các mô hình phát triển kinh tế và chính sách xã hội, cũng được kỳ vọng là sớm cụ thể hóa tinh thần nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 8 đề ra. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng một mô hình an sinh xã hội hoàn thiện, phù hợp tình hình mới sẽ nhanh chóng định hình trong cả nước, khởi đầu từ TPHCM - thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

Tin cùng chuyên mục