Nhu cầu xây dựng các thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.
Sáng 18-9, Hội nghị thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hanoi) chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện do UBND TP Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức với mục đích chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới: IoT, Big Data, AI, AR…
Hội nghị có sự tham dự của trên 700 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố của 20 tỉnh và thành phố trên toàn quốc và 70 đại biểu quốc tế từ 20 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc hội thảo và khẳng định, Hà Nội mong muốn xây dựng một thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện. Ảnh: TRẦN BÌNH
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Hà Nội hiện mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để cùng nhau xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội…
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Với tốc độ phát triển của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những công nghệ mới, chủ chốt của CMCN 4.0 được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này. |
Trình diễn quản lý giao thông thông minh bên lề hội thảo. Ảnh: TRẦN BÌNH Với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”, hội nghị có nhiều phát biểu quan trọng: Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam do Bộ Xây dựng trình bày; các chuẩn kết nối cho thành phố thông minh, bảo mật an toàn thông tin khi các thành phố trở nên kết nối hơn; phân tích dữ liệu và lập kế hoạch dựa trên các dữ liệu và đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Thụy Điển; mô hình “xã hội 5.0” của Nhật Bản; các bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh của Malaysia và các xu hướng công nghệ mới cho thành phố thông minh của Google…
Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây kiêm Giám đốc điều hành VinaData, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố kết nối trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Theo đó, không chỉ có các hạ tầng và nền tảng, mà các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cũng cần kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực. “Một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác, chúng ta sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh” - ông Trí chia sẻ.
Phiên hội thảo chung sáng 18-9 của Hội nghị ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hanoi. Ảnh: TRẦN BÌNH Trong khuôn khổ hội nghị, 6 hội thảo chuyên đề với những chủ đề đang được Hà Nội và các thành phố ở Việt Nam có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh quan tâm, bao gồm: Chính quyền số và chiến lược xây dựng thành phố thông minh; Thành phố thông minh hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn; Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh; Dữ liệu định hướng thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố; Công nghiệp thông minh; Các ứng dụng và giải pháp cho thành phố thông minh.
TRẦN BÌNH