Tuy nhiên, ngành nông sản thực phẩm chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nên người tiêu dùng khó phân biệt với sản phẩm của những quốc gia khác, dẫn đến nhiều hạn chế trong quảng bá hình ảnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, việc xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam nói chung và thương hiệu ngành nông sản thực phẩm nói riêng đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.
Trong đó, mục tiêu của nhiều chương trình là hướng đến xây dựng và quảng bá một hình ảnh chung, thống nhất cho ngành thực phẩm Việt Nam, xây dựng uy tín về chất lượng và giá trị thực phẩm, tối ưu hóa giá trị gia tăng cho sản xuất và chế biến thực phẩm...
Bên cạnh đó, dự án Hỗ trợ chính sách thương mại - đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm nông sản thực phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng dự án, cho biết thách thức lớn nhất trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý nói riêng, thương hiệu ngành nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung, là đòi hỏi thời gian để hình thành hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong việc xây dựng thương hiệu ngành nông sản thực phẩm thì hệ thống bảo đảm chất lượng rất quan trọng. Nếu chưa có hệ thống này thì không nên sử dụng thương hiệu. Bởi chỉ cần một lần sản phẩm không đáp ứng yêu cầu hay vi phạm quy định an toàn chất lượng sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia, chứ không chỉ có doanh nghiệp bị thiệt hại hay gặp rủi ro.