Trong bối cảnh hội nhập với nền điện ảnh khu vực và thế giới, theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, việc xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam trước hết phải bắt đầu từ chất lượng tác phẩm, trong đó yếu tố tiên quyết là phải kết tinh và thể hiện được bản sắc dân tộc, thông qua điện ảnh nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia.
Một bước tiến mới
Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19, tại hội thảo quốc tế với chủ đề: “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” tổ chức sáng 3-12 tại TPHCM, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam đã thông báo hàng loạt số liệu mới nhất về tình hình phát triển của điện ảnh Việt trong năm 2015.
Tính đến tháng 12-2015, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với 143 phim được sản xuất và phát hành, trong đó riêng phim truyện điện ảnh là 40 phim, chiếm tỷ lệ 23,5% so với phim ngoại. Hệ thống rạp chiếu phim của Việt Nam cũng phát triển rất nhanh, hiện có tổng số 140 rạp chiếu với 470 phòng chiếu và 82.470 chỗ ngồi. Sự tăng trưởng đó cùng với số lượng phim phát hành rất cao là 210 phim (170 phim ngoại nhập) đã thu hút 36 triệu lượt khán giả đến rạp và lần đầu tiên đạt doanh thu kỷ lục 110 triệu USD. Kinh phí sản xuất phim còn khá hạn chế, trung bình ở mức 6-7 tỷ đồng/phim truyện điện ảnh (cao nhất là 24 đến 26 tỷ đồng), khoảng 600 triệu đồng/phim tài liệu, hoạt hình.
Khán giả xếp hàng đến xem các phim Việt tại LHP Việt Nam lần thứ 19
Ông Michael Werner, Chủ tịch Hãng Fortissimo Films (Hong Kong - Trung Quốc) cũng là công ty phát hành bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tại thị trường quốc tế, tin tưởng bộ phim sẽ thành công. Ông cũng nhấn mạnh, điện ảnh Việt có nhiều ý tưởng để có thể sản xuất các bộ phim chất lượng nếu làm trong khả năng cho phép và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. “Khi các bạn đã có các bộ phim tốt, khả năng bán được ra thị trường quốc tế hoàn toàn rộng mở”, ông Michael nhấn mạnh.
Bước tiến của phim Việt còn thể hiện ở xu hướng quốc tế hóa khi ngày càng có nhiều nhà làm phim gốc Việt, nhà làm phim ngoại chọn Việt Nam là điểm đến để thực hiện các tác phẩm của mình. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, trong năm 2015, có tổng số 25 đoàn phim (20 phim truyện điện ảnh), bao gồm các phim của đạo diễn Việt kiều, phim hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam.
Trước đó, cũng trong khuôn khổ LHP Việt Nam 19, tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam” ngày 2-12, ý kiến của các đại biểu tham dự đều cho rằng muốn đạt được mục tiêu nói trên, trước hết cần xây dựng thương hiệu phim Việt ngay tại thị trường trong nước, phục vụ khán giả nội địa. Trong bài chia sẻ của mình, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định, muốn hội nhập thế giới, phim Việt phải có bản sắc riêng; có những phim Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước trước khi được xuất khẩu ra nước ngoài hay tham dự các LHP lớn trên thế giới.
Cần khẳng định chất lượng
Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTT-DL nhấn mạnh: “Điện ảnh là phương thức hữu hiệu để quảng bá thương hiệu quốc gia và điều quan trọng nhất phải nhấn mạnh vào thế mạnh, đặc trưng của quốc gia đó. Theo tôi, muốn điện ảnh Việt lớn mạnh phải bắt đầu từ những bộ phim chất lượng, việc kể câu chuyện về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam như thế nào mới là yếu tố quan trọng”. Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM cũng chung quan điểm, đồng thời chia sẻ, việc quan tâm đến thương hiệu phim Việt nên bắt đầu từ những hành động cụ thể như: phối hợp với các đoàn ngoại giao tổ chức chiếu phim, làm hội chợ, tổ chức ngày phim Việt Nam... tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Thuyết trình của ông Jacob Kirstein Hogel, Ủy viên Quỹ điện ảnh Tây Đan Mạch về các chính sách hỗ trợ và ưu đãi để bảo vệ và phát triển nền điện ảnh quốc gia cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng bản sắc phải được nghiên cứu trong mối tương quan với 4 yếu tố: sản xuất, tiêu thụ, quản lý và đại diện. “Phim ảnh có thể đề cập đến các vấn đề quan trọng của quốc gia và do vậy có vai trò trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề đó. Các phim được ưa thích có thể trở thành một phần của đời sống xã hội rộng lớn”. Thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng về nền điện ảnh Việt, ông Jacob nhấn mạnh: “Nếu chính sách và ưu đãi của nhà nước được áp dụng phù hợp với năng lực của cộng đồng các nhà làm phim, phù hợp với thị hiếu của khán giả và hình thức phát hành sẽ hình thành và củng cố vững chắc bản sắc của một nền điện ảnh quốc gia”.
VĂN TUẤN