Không có những chiêu trò câu kéo khán giả. Không có dàn diễn viên nổi tiếng, Cha cõng con đến với người xem bằng sự dung dị nhưng đầy ám ảnh...
Cha cõng con bắt đầu chinh phục khán giả trong nước từ ngày 5-4 sau khi đã, đang và tiếp tục tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ. Thuộc thể loại nghệ thuật độc lập, phim khai thác cuộc sống gia đình khốn khó của hai cha con sống ở vùng núi khá hoang vắng. Ở đó, người cha vùi mình vào những cuộc mưu sinh vất vả với nghề chài lưới trong khi đứa con ngây thơ tên Cá vừa thích quấn quýt bên cha, vừa mộng mơ thả mình vào những vùng trời màu nhiệm qua lời kể của chàng trai mù. Cho đến một ngày, khi Cá mắc bệnh hiểm nghèo, cả cha và con cùng nhau trải qua hành trình sinh - tử.
Kịch bản phim (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính tác giả) không có những nút thắt cao trào đến dữ dội, mà mọi thứ giống như mặt nước yên ả, chỉ có những đợt sóng ngầm âm ỉ bên dưới chực chờ trỗi dậy, nhưng rồi lại lặng đi rất nhanh. Đó là lý do, đạo diễn cố tình xây dựng 3 cái kết khác nhau cho bộ phim và cả 1 cái kết đã được nhen nhóm trong đầu nhưng đành cất cho riêng mình vì nếu được bày biện trên màn ảnh sẽ quá khốc liệt. Cái dung dị toát lên qua ngôn ngữ kể chuyện với những lời thoại mộc mạc, nhiều khi là rất ngô nghê của cha con Cá và cả những người sống quanh họ, những người đi qua cuộc đời họ. Ngay cả với những khán giả cảm xúc nhất, Cha cõng con sẽ không khiến họ nức nở khi theo dõi bộ phim nhưng cái đọng lại là sự âm ỉ, dai dẳng. Đạo diễn đã gọi đó là những cú va đập về tâm hồn - nhẹ nhàng mà thấm thía.

Cảnh trong phim Cha cõng con
Sự cầu toàn và tinh tế cũng là điểm đáng nói về Cha cõng con. Thiên nhiên trong phim đẹp như nó vốn có, thô mộc và không màu mè hay lạm dụng sự tô vẽ của công nghệ kỹ xảo. Thủ pháp tối giản này những tưởng đơn giản nhưng lại cần sự cầu kỳ đáng kinh ngạc. Cảnh căn nhà ngập trong lũ, những tiếng sấm sét xé toạc bầu trời, từng bộ trang phục, những chiếc áo mưa, chiếc xe đạp cũ hay thậm chí cả những vạt cỏ... đều được tuyển lựa, chăm chút, đặt để một cách chân thực đúng thời điểm.
Cha cõng con gần như khiến người xem im phăng phắc suốt hơn 90 phút chiếu. Có những khán giả ngơ ngác, đôi khi hụt hẫng vì nhịp phim chậm hay câu chuyện có phần dễ đoán ở nửa sau. Lại có khán giả mong mỏi phim có những xung đột, hoặc giả có nhiều hơn những chi tiết đắt giá để đẩy cảm xúc người xem lên đến đỉnh điểm. Sự chân thật về diễn xuất là điều kiện cần nhưng sẽ là chưa đủ khi tâm lý nhân vật chưa được đào sâu để làm bật lên tính cách, số phận mà họ phải trải qua.
Ước mơ của chú bé Cá trong phim là một lần được chạm tay vào bầu trời khi đặt chân lên tòa nhà cao nhất, nơi chú mù từng làm việc. Cậu bé cũng thỏa nguyện khi đặt chân đến tổ của những chú chim sắt khổng lồ và sẽ hãnh diện khoe với những đứa bạn sống cùng thung lũng. Điều đó thật “oách”. Xét cho cùng, ai cũng có ước mơ và ngay cả ước mơ tưởng chừng đơn giản nhất cũng đáng trân quý trong cuộc sống này.
VĂN TUẤN