Nhằm chuẩn hóa công tác quản lý khám chữa bệnh (KCB) diện bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như thanh toán dịch vụ y tế, Sở Y tế TPHCM vừa cho biết việc tiến tới thẩm định và xếp hạng các bệnh viện tư nhân. Đây cũng là thực tế nhằm phù hợp với Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2016 cũng như quy định về điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế từ 1-3 tới.
Đa số thuộc hạng tuyến quận, huyện
Là một bệnh viện tư nhân có quy mô hơn 500 giường với nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) vẫn đang áp dụng KCB diện BHYT theo hạng tuyến quận, huyện. Theo đó, chiếu theo Luật sửa đổi bổ sung về BHYT, từ 1-1-2016, mở thông tuyến KCB trong cùng địa bàn tỉnh/thành, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB diện BHYT tại trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, thành. Điều đó có nghĩa, người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở tất cả các bệnh viện quận, huyện và tất cả các phòng khám đa khoa, trạm y tế ở địa bàn TPHCM đều có thể KCB đúng tuyến tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á và mức hưởng tương đương như khi KCB đúng tuyến…
Theo bà Lưu Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, không riêng Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á mà nhiều bệnh viện tư nhân khác hiện nay cũng đang ở hạng 2, hạng 3 thuộc tuyến quận, huyện. Do đó, theo Thông tư 40/2015, người dân trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố không còn bị ràng buộc phải KCB tại một cơ sở y tế đã mua BHYT ban đầu, mà có thể KCB ở bất kỳ bệnh viện cùng hạng tương đương nào, kể cả bệnh viện tư nhân, vẫn được đảm bảo quyền lợi như KCB ở cơ sở y tế ban đầu.
Chính vì vậy, theo bà Huyền, với chính sách tiến tới BHYT toàn dân, riêng TPHCM đã đạt trên 75% số dân có BHYT, là nguồn khách hàng lớn của các cơ sở KCB. Vì vậy, ngay cả các bệnh viện tư nhân không còn “kén” bệnh nhân BHYT như trước mà đang nỗ lực để thu hút.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, để được KCB diện BHYT thông tuyến theo Thông tư 40/2015, các bệnh viện tư nhân phải được xếp hạng tuyến quận, huyện. Còn nếu được xếp hạng tuyến tỉnh, thành phố thì người bệnh có BHYT mua ban đầu ở tuyến quận, huyện đến KCB vẫn coi là trái tuyến. Chính vì vậy, theo các chuyên gia y tế, đang có hiện tượng nghịch lý là một số bệnh viện tư có quy mô, kỹ thuật tiên tiến, đạt chuẩn hạng 2 tuyến tỉnh, thành phố nhưng đang muốn được xuống hạng tuyến quận, huyện; bên cạnh đó, một số bệnh viện tư chưa đạt chuẩn lại muốn… được lên hạng.
Chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện tư nhân ở TPHCM
Tại cuộc họp triển khai thông tuyến KCB diện BHYT mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sở này đang rà soát và thẩm định một cách nghiêm túc để xếp hạng cho hệ thống bệnh viện tư nhân, nhưng nhìn chung đa số thuộc hạng tuyến quận, huyện.
Hợp tác để “nâng chất”
Theo bà Lưu Thanh Huyền, với quy định mới về thông tuyến KCB diện BHYT, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng người bệnh đổ dồn lựa chọn những bệnh viện có chất lượng, cơ sở tốt mà bỏ qua các bệnh viện chưa thực sự uy tín. Ngay cả các bệnh viện tư nhân, mặc dù có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhưng chất lượng KCB không cao thì người dân có được hưởng quyền lợi BHYT tương đương cũng không lựa chọn.
|
Nắm bắt thực tế này, mới đây Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, đặc biệt về can thiệp tim mạch - thần kinh, ngoại lồng ngực - mạch máu, ung thư, ngoại vi phẫu - chỉnh hình…
Trước đó, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang cũng đã ký kết hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Quận 2 nhằm hỗ trợ qua lại, nâng cao chất lượng. Theo Thạc sĩ - bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, bệnh viện có lợi thế là thiết bị hiện đại, nhất là chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch vành, mạch máu não như CT-MRI 128 lát, DSA, HIFU... và đội ngũ chuyên gia đi kèm nên có thể hỗ trợ qua lại. Mặt khác, bệnh viện tư nhân cũng được thanh toán BHYT tương đương như bệnh viện công nên bệnh nhân vẫn được hưởng quyền lợi khi hai bệnh viện liên kết hợp tác.
Với lợi thế về cơ sở vật chất, dịch vụ và trang thiết bị hiện đại, hệ thống y tế tư nhân đang góp phần khá lớn vào chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho y tế công lập. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có “chính sách” rõ ràng trong việc hỗ trợ, tạo sự liên kết giữa bệnh viện công và bệnh viện tư mà để cho các bên… tự vận động.
Do đó, với quy định của Thông tư 40/2015 cũng như quy định về điều chỉnh tăng giá 1.904 dịch vụ y tế từ 1-3 sắp tới, các bệnh viện tư nhân đang băn khoăn tìm cách thu hút người bệnh khi được xếp hạng! “Đa phần bệnh nhân, nhất là bệnh nhân có BHYT vẫn có tâm lý sợ chi phí cao khi vào bệnh viện tư. Tuy nhiên, với quy định về KCB diện BHYT cũng như quy định thống nhất giá dịch vụ kỹ thuật thì bệnh viện công - tư đều tương đương nhau”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết.
11 bệnh viện quận huyện giảm lượt khám BHYT Theo Sở Y tế TPHCM, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, trên địa bàn TPHCM đang xảy ra tình trạng dịch chuyển khám chữa bệnh BHYT từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, từ các trạm y tế về bệnh viện quận, huyện. Số liệu khảo sát nhanh của Sở Y tế TPHCM cho thấy, qua 1 tháng triển khai Thông tư 40, tổng lượt khám chữa bệnh của tháng 1-2016 giảm 9,5% so với tháng 12-2015; số lượt khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện tuyến quận, huyện giảm 13% và tổng lượt khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế giảm tới 46,2% so với tháng 12-2015. Theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, việc dịch chuyển nói trên sẽ là những khó khăn, thách thức cho những bệnh viện muốn thu hút người bệnh BHYT phải nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, thật sự xem người bệnh là khách hàng để thu hút người bệnh. N.NGỌC |
TƯỜNG LÂM