“Xử” luôn cả chủ đầu tư lẫn tư vấn, giám sát, nhà thầu… nếu vi phạm trật tự xây dựng

Ngày 8-12, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đầu tư công. Thảo luận về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho hay: "Trong chế tài các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sở không chỉ chế tài chủ đầu tư mà sẽ kiểm tra, xử lý luôn cả tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu…".

Sai sót trong cơ sở thẩm mỹ chủ yếu trong… quảng cáo

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nhận xét, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ rất lớn và đây là vấn đề liên quan sức khỏe con người. Nhưng thời gian qua, liên tiếp xảy ra sự cố đến phẫu thuật thẩm mỹ. Tháng 10-2019, có 4 ca tai biến. Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng ngay trong thời điểm Sở đi kiểm tra, các cơ sở không phép vẫn tiếp tục hoạt động. Sở có giải pháp nào để phòng ngừa tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ?

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm về việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ, tránh các tai biến, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện TP có 15 bệnh viện thẩm mỹ, hàng năm sở đều có đánh giá và công khai thông tin trên web để người dân biết và lựa chọn. Trong số các bệnh viện này có 3 bệnh viện được xếp loại trung bình, 6 trung bình khá, 6 bệnh viện khá, chưa có bệnh viện nào loại tốt. 183 cơ sở, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ cũng được đánh giá hàng năm.

Giám đốc Sở Y Tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Riêng với hơn 2.000 cơ sở thực hiện các thủ thuật như phun xăm, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận chưa được quản lý chặt chẽ. Theo ông Bỉnh, vừa qua sau các tai biến xảy ra, UBND TP có công văn chấn chỉnh từ khâu cấp phép đến quản lý của các quận huyện. Sai sót trong phòng khám thẩm mỹ hiện nay chủ yếu ở khâu quảng cáo, quảng cáo vượt mức để thu hút bệnh nhân. Vừa qua Sở Y tế đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra xử lý các trường hợp quảng cáo sai. Với trường hợp phức tạp hơn thì sở phối hợp với cơ quan công an để làm rõ.

Vẫn chưa có “nhạc trưởng” quản lý chung cư

Cùng thảo luận tại hội trường, ĐB Tăng Hữu Phong nêu thực tế các mâu thuẫn, tranh chấp ở các dự án chung cư mới. Đó là các mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân về sở hữu chung, sở hữu riêng, về cấp giấy chứng nhận… vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, vấn đề này cần được dành sự quan tâm thỏa đáng để thảo luận và tìm ra giải pháp nếu không có thể dẫn tới những mâu thuẫn và tranh chấp gay gắt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, trong quản lý chung cư, sở đã tăng cường thực hiện, có nhiều việc làm được, nhưng cũng phải nhìn nhận là có nhiều việc chưa được như ý. Đến nay, vẫn chưa có “nhạc trưởng” quản lý chung cư.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Lê Hòa Bình thông tin, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06 về quản lý vận hành chung cư. Sở sẽ thực hiện làm sao quản lý được chung cư, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Trong đó, giải pháp cụ thể, là tính đến mô hình 3 chân với cư dân là trung tâm; chịu trách nhiệm chính là ban quản trị chung cư; và, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm suốt vòng đời chung cư, nếu chất lượng công trình có vấn đề thì phải xuất hiện. Chính quyền địa phương quản lý.
Ông Lê Hòa Bình cho hay, đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 Sở Xây dựng TPHCM thực hiện, để quản lý tốt chung cư.
Về vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, từ đầu năm đến nay phát hiện 2.796 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 219 vụ so với năm 2018. Tính từ khi Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 23 (gần 6 tháng qua), tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng giảm 46%.
Trong số các vụ vi phạm, có gần 35% sai phép; 42% xây dựng không phép và 23% là các vi phạm khác (các công trình không che chắn khi thi công, ô nhiễm môi trường, rơi vãi vật tư xây dựng). Hướng xử lý, với vi phạm khác, sở sẽ tăng cường giải pháp trong 7 nhóm giải pháp thì con số này sẽ kéo giảm trong năm 2020. Trong gần 35% vụ sai phép, nếu hướng dẫn người dân đi điều chỉnh giấy phép thì rất nhiều trường hợp sẽ được điều chỉnh, không cần phải rút giấy phép. Và có nhiều trường hợp xây dựng nhỏ hơn so với giấy phép xây dựng thì sẽ không phải điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Trong chế tài các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sở không chỉ chế tài chủ đầu tư mà sẽ kiểm tra, xử lý luôn cả tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu… Nếu tái phạm nhiều lần thì tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi người dân làm thủ tục về xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề nhanh hơn.
“Sở Xây dựng TPHCM vừa tháo gỡ khó khăn, vừa tăng cường quản lý, chế tài mạnh, răn đe mạnh”, ông Lê Hòa Bình khẳng định.


Xem lại hướng phát triển ngành hóa chất – cao su – nhựa

ĐB Võ Thị Ngọc Thúy bày tỏ phấn khởi khi 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế đều đạt trên 7%. Phóng tầm nhìn dài hơn, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, cần nhìn lại, đánh giá chi tiết hơn, khoa học hơn về các sản phẩm chủ lực. Thực tế, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo; công nghệ thông tin; hóa chất – cao su – nhựa; chế biến tinh lương thực thực phẩm) có tăng trưởng nhưng tăng chậm hơn so với cùng kỳ (7,7% so với 9,25% năm 2018).

“Xử” luôn cả chủ đầu tư lẫn tư vấn, giám sát, nhà thầu… nếu vi phạm trật tự xây dựng ảnh 3 ĐB Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Ngọc Thúy đề nghị, cần đánh giá lại xem đâu là những ngành công nghiệp trọng yếu thời gian tới và cần phát huy các sản phẩm chủ lực. Bởi, ngành hóa chất - cao su – nhựa là ngành nhạy cảm với môi trường, cần nhiều đất đai nên cần xem lại trọng tâm phát triển ngành này; ngành da giày, may mặc cần đi sâu vào thiết kế thay vì gia công; ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, cần hướng tới chất lượng cao, xuất khẩu… chứ không chỉ chế biến thông thường.

Trong phát triển doanh nghiệp, ĐB Thúy chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp tập trung ở lĩnh vực bất động sản, rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào hoạt động sản xuất. ĐB Thúy đề nghị cần có khu công nghiệp thông minh, kết nối cơ sở hạ tầng, cho cơ sở vừa và nhỏ thuê. Tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ mạnh dạn đăng ký hoạt động sản xuất, giúp họ lớn mạnh dần, và hình thành công nghiệp sản xuất.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, dự kiến số doanh nghiệp thành lập 2019 là 46.200 doanh nghiệp, từ phát triển tự nhiên và từ hộ sản xuất kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Nhưng, thực tế, năm qua chỉ có 44.000 doanh nghiệp thành lập mới.

“Xử” luôn cả chủ đầu tư lẫn tư vấn, giám sát, nhà thầu… nếu vi phạm trật tự xây dựng ảnh 4 Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới là khá cao so với thực tế. Tuy vậy, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp giải thể đã giảm; số vốn bình quân ở mỗi doanh nghiệp thành lập mới tăng, đạt trên 16 tỷ đồng/doanh nghiệp; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 24%...

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM đánh giá, điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp vẫn phát triển và đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. TPHCM đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo quỹ đất, cải cách hành chính… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tin cùng chuyên mục