Xử lý dứt điểm rác vô chủ

Nhằm chấm dứt vấn nạn xả rác tràn lan ra môi trường, nhất là tại khu vực giáp ranh ở các quận huyện, UBND TPHCM đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý người vi phạm. Nhờ đó, nhiều nơi từng là bãi rác nay đã được xóa hoặc chuyển hóa thành mảng xanh phục vụ người dân vui chơi, giải trí.  
Công viên 130 Cao Lỗ, quận 8 khá khang trang, vốn được chuyển hóa từ bãi tập kết rác
Công viên 130 Cao Lỗ, quận 8 khá khang trang, vốn được chuyển hóa từ bãi tập kết rác

Bãi rác thành mảng xanh 

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (ngụ chung cư Đồng Điều, quận 8) chia sẻ, trước đây công viên gần chung cư không ai quản lý, để cỏ rậm rạp, nhiều người dân thiếu ý thức bỏ rác tùy tiện nên công viên biến thành… bãi rác công cộng, dịch bệnh cũng phát sinh từ đây. Tuy nhiên, từ khi được các bạn trẻ của Đoàn Thanh niên Sở TN-MT TPHCM và quận 8 cải tạo, môi trường nơi đây đã thay đổi. Và cùng với sự chung tay gìn giữ của người dân, nơi đây đã trở thành khu vực tập thể dục, thư giãn mỗi ngày. 

Tương tự, ghi nhận thực tế tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, nhiều tuyến đường, kênh rạch vốn là điểm nóng ô nhiễm rác thải đã được cải tạo khá thông thoáng, sạch sẽ. Nhiều khu vực còn được cải tạo thành công viên nhỏ, vườn hoa và được người dân giữ gìn, tôn tạo thành nơi vui chơi, giải trí. Không ít người dân chia sẻ, họ rất vui mừng khi môi trường được cải thiện, môi trường xanh, sạch đã góp phần mang lại không khí trong lành, cuộc sống tốt hơn. 

Đại diện UBND quận 12 cho biết, thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị 19), một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà quận đặt ra là phải xóa các điểm rác tồn lưu trên địa bàn và nâng cấp, nạo vét, chỉnh trang lại các tuyến kênh rạch. Kết quả cho đến nay, quận 12 đã xóa toàn bộ 78/78 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó đã chuyển hóa 30 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh. Về cải thiện ô nhiễm kênh rạch, quận cũng đã triển khai nhiều dự án quan trọng góp phần phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng và cải tạo mỹ quan môi trường đô thị cho các khu vực dân cư. Quá trình triển khai thực hiện, quận nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của người dân, đã có hơn 34 hộ dân hiến hơn 1.200m2 đất để thực hiện dự án. 

Ứng dụng công nghệ, tăng tương tác

Hiện nay, để kịp thời tương tác với người dân, các quận huyện đã triển khai phần mềm trực tuyến, phần mềm quản lý khác để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường; một số quận huyện còn ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) trong công tác tuyên truyền, tiếp nhận thông tin xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đô thị.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết thêm, đơn vị đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nâng công suất xử lý rác thải, đảm bảo thực hiện mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt phải được phân loại, thu gom và tái chế bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa lượng rác thải phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. 

Chỉ đạo vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình yêu cầu các quận huyện, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng hoạt động cụ thể như giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới, phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố. Song song đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với công tác vệ sinh môi trường, lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, công trình lấn chiếm kênh rạch. Cùng đó quy định rõ trách nhiệm của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nếu để phát sinh tình trạng rác thải bừa bãi trên địa bàn, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của các tuyến sông, kênh rạch.

Theo UBND TPHCM, trong năm 2021, thành phố phấn đấu tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 100% phường xã, thị trấn tổ chức đối thoại với người dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn. Từ đó, đảm bảo được mục tiêu 100% hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện bản cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. Riêng các lực lượng thu gom rác dân lập phải được hỗ trợ để hoàn tất việc chuyển đổi thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Thành phố cũng yêu cầu chậm nhất đến 31-12-2021, có 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... và 50% tiểu thương sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, thay thế túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.

Tin cùng chuyên mục