Xử lý nghiêm hành vi bao che, tiếp tay cho tội phạm

Chiều 2-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: TTXVN

Tội phạm có xu hướng liên kết hình thành băng nhóm

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia, năm 2019, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm (PCTP) đã được triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều mặt công tác vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, khởi tố 1.864 vụ án với 2.184 đối tượng. Số vụ, số đối tượng bị khởi tố tăng cho thấy chúng ta đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Đáng chú ý, một số loại tội phạm có xu hướng liên kết hình thành các băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng sẵn sàng gây án gia tăng; các loại tội phạm cướp, giật hoạt động ngày càng manh động; tội phạm liên quan đến ma tuý, tín dụng đen chưa được kiểm soát hiệu quả. 

“Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng. Những sơ hở, bất cập trong chính sách xuất nhập khẩu vẫn chưa khắc phục triệt để nên các đối tượng vẫn lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm với số lượng lớn”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phạt đúng mức để răn đe

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục đích tổ chức hội nghị này là để năm 2020 phải có chuyển biến quan trọng trong công tác PCTP và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có nhiều lực lượng làm các công tác này, do đó phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và người chịu trách nhiệm, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”; nhiều mà phối hợp kém, trách nhiệm không rõ thì tình trạng sẽ lặp đi lặp lại. Song song đó cần xem xét lại sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng, bởi thực tế có khi chưa triển khai kế hoạch thông tin đã bị lộ. Cần đánh giá vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và BCĐ 138, BCĐ 389 ở địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa, có bảo kê, tiêu cực không, vì các vụ việc đều xảy ra ở địa bàn. “Có một số đường dây buôn lậu liên quan đến cán bộ cấp tỉnh. Việc bảo kê đó và có người nhà tham gia như vậy là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu, tội phạm, với vi phạm đủ cấu thành yếu tố hình sự thì phải xử lý hình sự; nếu không, phải xử phạt hành chính ở mức tối đa.

Để lĩnh vực này chuyển biến tốt hơn trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai có hiệu quả các chương trình công tác, tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách; đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi cộm để làm gương, răn đe, giáo dục. Các cơ quan như công an, thuế, hải quan, quản lý thị trường… phải giảm tham nhũng, tham nhũng vặt. Kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm, dù đó là ai. Nếu ở địa bàn nào mà hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu.

Tin cùng chuyên mục