Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy

Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài với danh nghĩa du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” ngụy trang mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn.

 

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị

Sáng nay 22-12, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04) tổ chức hội nghị triển khai chương trình công tác 2021.

Theo C04, trong nội địa, tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng ma túy trái phép tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke... để tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp. 

Thống kê hiện nay, toàn quốc có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, trong khi đó, hiệu quả cai nghiện thấp, tỷ lệ tái nghiện cao nên số người nghiện ở ngoài xã hội còn lớn. Đây là nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài với danh nghĩa du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” ngụy trang mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn.

Các đối tượng còn lợi dụng tuyến bưu điện để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa với thủ đoạn để lẫn ma túy trong thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, sữa, quần áo... từ các nước châu Âu (Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ) về Việt Nam tiêu thụ và từ Việt Nam đưa đi các nước. Xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy.

Theo thống kê, từ 15-12-2019 đến 14-11-2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, bắt giữ hơn 24.000 vụ, hơn 36.000 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ: hơn 738kg heroin. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cả nước khởi tố mới hơn 21.000 vụ/hơn 27.000 bị can.

Trong đó, riêng C04 trực tiếp chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 114 vụ, 348 đối tượng, thu giữ: 266,9kg heroin…; 20 khẩu súng cùng nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến các vụ án.

Năm 2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp từ xa tội phạm ma túy. Trong đó, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm tình trạng vận chuyển trái phép ma túy vào nước ta và đi nước thứ ba.

Cùng với đó triển khai mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm: Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia; tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện; địa bàn các thành phố lớn, địa bàn giáp ranh…

Tin cùng chuyên mục