Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 7-11, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp xuất hiện ở vịnh Thái Lan là hiện tượng hiếm gặp và phải 5 năm mới thấy xuất hiện 1 lần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 8-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 100,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 đến 50 km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp sau có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực biển Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; vùng biển phía Tây vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3m; biển động.
Trung bộ tiếp tục có mưa to trên diện rộng trong 2 ngày tới
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam (bao gồm đảo Lý Sơn) do ảnh hưởng của không khí lạnh nên tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3m. Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động.
Diễn biến mưa lũ trên các sông ở Trung Bộ, lúc 1 giờ sáng nay 7-11, lũ trên sông Vệ (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại trạm Sông Vệ là 5,93m, trên báo động 3: 1,43m, dưới mức lũ lịch sử năm 2013: 0,1m. Hiện mực nước sông Đăkbla (Kon Tum) lên đỉnh là 519,50m, ở mức BĐ2, sau xuống.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông từ ngày 7-11 đến hết ngày 8-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, tiếp tục có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tiếp tục xảy ra ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Từ ngày 9-11 mưa ở các tỉnh miền Trung sẽ giảm dần.