Xung đột ở Ukraine: Tia hy vọng

Phát biểu với báo giới ngày 2-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine và hy vọng phái đoàn Ukraine sẽ tham gia đàm phán. Ông Peskov cũng khẳng định, tất cả các điều kiện tiên quyết cần thiết để giải quyết căng thẳng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhiều lần và khá rõ ràng. Đây tiếp tục là tia hy vọng cho xung đột ở Ukraine.
Người tị nạn Ukraine ở Ba Lan. Ảnh:CNN
Người tị nạn Ukraine ở Ba Lan. Ảnh:CNN

NATO tuyên bố không triển khai quân

Theo hãng tin Ria-Novosti của Nga, đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sĩ, Đại sứ Gennady Gatilov tuyên bố, Moscow không nhận thấy thiện chí của Kiev trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp và cân bằng giải quyết các vấn đề giữa hai nước. Đại sứ Gatilov khẳng định quan điểm của Nga ủng hộ giải pháp ngoại giao trên cơ sở tôn trọng lập trường của tất cả quốc gia và sự bình đẳng.

Ông nhấn mạnh đó là điều Nga chưa thấy được từ phía Ukraine. Về phía Ukraine, theo hãng tin Tass, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ hai giữa Ukraine và Nga diễn ra vào tối muộn 2-3 (giờ địa phương) tại Belovezhskaya Puscha, Belarus với thành phần tham gia giống như vòng 1. Phía Ukraine cho biết sẽ “giữ vững lập trường của mình”, tức là kêu gọi Nga trước hết phải ngừng chiến dịch quân sự. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 28-2 ở Belarus, gần biên giới với Ukraine. 

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại căn cứ lục quân Tapa ở miền Bắc Estonia ngày 1-3, Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức xung đột ở Ukraine, Nga cần rút quân khỏi Ukraine và tham dự các nỗ lực ngoại giao. Theo ông Jens Stoltenberg, NATO sẽ không triển khai quân hoặc máy bay chiến đấu đến hỗ trợ Kiev bởi liên minh quân sự này không muốn trở thành một phần của cuộc xung đột.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước. Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc trao cho Ukraine quy chế đặc biệt theo Chỉ thị bảo vệ tạm thời năm 2001, theo đó cho phép những người tị nạn từ các cuộc xung đột sống và làm việc trong khối trong tối đa 3 năm. Tuy nhiên, để văn bản trên có hiệu lực, phải có 15 trong số 27 nước, đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối, ủng hộ.

Phương Tây gia tăng sức ép với Nga

Trong thông điệp liên bang ngày 2-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Lệnh cấm trên yêu cầu đóng cửa không phận của Mỹ đối với toàn bộ các hãng hàng không thương mại cũng như máy bay dân sự khác của Nga. Tổng thống Biden cũng thông báo, Washington sẽ xuất 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ như một phần trong nỗ lực cùng quốc tế nhằm bình ổn thị trường. Ông Biden cho biết sẽ làm việc với 30 quốc gia khác để xuất thêm 30 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, tiếp tục có thêm nhiều tập đoàn của phương Tây dừng hoạt động tại Nga. Tập đoàn Apple ngày 1-3 thông báo ngừng bán các sản phẩm của hãng này tại Nga. Theo đó, điện thoại iPhone, ứng dụng thanh toán Apple Pay và các dịch vụ liên quan khác đã bị hạn chế, các ứng dụng tin tức của 2 hãng truyền thông quốc gia Nga là RT và Sputnik không còn truy cập ở phạm vi ngoài nước Nga.

Apple cũng vô hiệu hóa tính năng cập nhật tình trạng giao thông trên Apple Maps ở Ukraine như một biện pháp bảo vệ an toàn cho công dân Ukraine trong bối cảnh đang xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Các công ty công nghệ lớn như Facebook, TikTok và Microsoft đã hạn chế truy cập đối với các cơ quan thông tấn liên kết với nhà nước Nga.

Hãng máy tính Dell cho biết đã dừng các hoạt động bán hàng tại Nga và Ukraine. Hãng thời trang thể thao Nike cũng dừng bán sản phẩm tại Nga và hãng ô tô Ford cũng dừng hoạt động với liên doanh tại Nga từ ngày 1-3. Hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing thông báo ngừng hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga cũng như những hoạt động của Boeing tại Moscow.

Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng LHQ tổ chức về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng, mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.

Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn. 

Tin cùng chuyên mục