Chuông reo là chạy cấp cứu
Hơn 17 giờ 30 mùng 2 tết, điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM vang lên. Giọng ở đầu dây bên kia hốt hoảng: “Cha tôi hơn 80 tuổi, hôn mê, nhà ở đường Bình Đông, phường 14, quận 8. Cách 15 phút trước khi gọi cấp cứu, cha đột ngột co giật toàn thân, mất ý thức; sau co giật thì nôn ra thức ăn”. Ngay lập tức, ê kíp gồm 2 điều dưỡng là Hoàng Thi Thơ, Châu Ngọc Thạch cùng bác sĩ Lê Bá Phước Nguyên nhanh chóng xách valy thuốc, thiết bị, khẩn trương chạy ra xe cấp cứu. Tiếng còi rền rĩ xé không gian trên đường đi. Nhóm cấp cứu tới, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục co giật. Bác sĩ tiến hành sơ cứu, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch, nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất theo yêu cầu người nhà.
“Bệnh nhân bị xuất huyết não, động kinh, tăng huyết áp, teo não... May mắn là cấp cứu kịp thời, chuyển vào viện. Với gia đình họ, ngày tết coi như hết nhưng so với nhiều ca cấp cứu khác trong khuya 30, mùng 1 tết vẫn còn may mắn”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Bác sĩ Phượng có 5 năm làm việc tại trung tâm thì có đến 4 năm trực tết. Các điều dưỡng khác cũng vậy, hầu như tết nào cũng túc trực cấp cứu. Và họ rất hiểu, khi đã bấm số 115, mọi hy vọng của người bệnh, thân nhân đều trút vào đó. Trong căn phòng điều hành Trung tâm 115, ánh điện chưa bao giờ tắt, chuông vẫn reo dồn dập, không khí luôn khẩn trương trong tư thế sẵn sàng nghe tiếng chuông báo là họ đi, bất kể ngày đêm.
“Hàng ngày, chúng tôi liên tục xoay tua công việc. Hiện có 4 tua điều dưỡng gồm 12 người, 5 tua bác sĩ gồm 3 bác sĩ và 3 y sĩ làm việc mỗi ngày. Có bữa, đang ăn dở bữa cơm tối tại trung tâm, nghe chuông gọi cấp cứu, phải quăng chén dĩa để chạy đi cho kịp giờ vàng cấp cứu. Mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy đó...”, bác sĩ Phượng kể.
Hết lòng vì bệnh nhân
0 giờ đêm giao thừa, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tục có bệnh nhân đưa vào. Tiếng rên la đau đớn ồn ào khắp phòng. 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng kiên nhẫn nhận bệnh, làm việc không ngừng nghỉ. 1 giờ khuya, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện, hơn 25 bệnh nhân rất nặng được kíp trực 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng tận tâm chăm sóc. Đây là khoa mà bệnh nhân được ưu tiên chăm sóc đặc biệt và người nhà bệnh nhân không được vào. Điều đó đồng nghĩa với công việc ở đây áp lực rất lớn. Các điều dưỡng đảm trách chăm sóc trực tiếp như tiêm thuốc theo y lệnh bác sĩ, xoay trở bệnh nhân, hút đàm, vệ sinh...
Bác sĩ Đào Huy Toàn cho hay: “Hầu như bác sĩ lẫn các điều dưỡng năm nào cũng trực tết, choàng gánh công việc cho nhau. Bệnh nhân ở đây được cách ly tách biệt với bên ngoài, nhiều người hoàn toàn không biết gì. Chúng tôi bước vào khoa làm việc, cũng đã gác tết lại bên ngoài cánh cửa”.
BS.CK II Lưu Hiếu Thảo, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, phụ trách chính trực tết bệnh viện đêm giao thừa, cho biết từ trước tết, công tác bố trí trực tết đã được ban lãnh đạo bệnh viện triển khai cụ thể đến các khoa, phòng, nhất là các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, tim mạch, thần kinh...
“Khoa Cấp cứu là nơi đón nhận bệnh nhân đông nhất trong dịp tết. Để đảm bảo khối lượng công việc, bệnh viện chủ động lên kế hoạch tăng cường nhân lực, bố trí đội ngũ cán bộ túc trực 24/24 giờ; bố trí đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng mọi yêu cầu khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Chúng tôi cũng rà soát bệnh án, kiểm tra từng trường hợp bệnh nhân. Năm nay, ngoài hơn 100 bệnh nhân đã đỡ, xin được về nhà trước tết thì vẫn còn khoảng 500 bệnh nhân phải đón tết trong bệnh viện. Chưa kể, trong mấy ngày tết, bệnh viện lại tiếp nhận hàng trăm ca nhập viện vì tai nạn giao thông, hôn mê, biến chứng...”, bác sĩ Thảo nói.
Bác sĩ Trương Hùng Quốc, công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, chia sẻ: “Cứ tết, số lượng bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện đều tăng. Các y bác sĩ trực tết ở các khoa thường “chia lửa” cùng khoa cấp cứu vì đây là khoa vất vả, áp lực nhất bởi hầu hết các bệnh nhân nặng được dồn về... Tết, chúng tôi còn bận rộn hơn ngày thường, nhiều năm hết chuyến này đến chuyến khác xuyên đêm. Tuy nhiên, chúng tôi không xem rằng đấy là vất vả. Bởi đó là công việc mình lựa chọn, quan trọng là đồng hành cùng bệnh nhân, cứu được họ”.
TPHCM: Hơn 16.000 trường hợp cấp cứu dịp tết THÀNH SƠN |