Y tế cơ sở - hết tách, lại nhập

Theo Thông tư liên tịch 51/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, trong năm 2016 sẽ tiến hành sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt với y tế dự phòng. Theo đó, các cơ sở sẽ sáp nhập thành một khối liên kết, phù hợp hơn với vai trò, tiêu chí, chức năng của từng đơn vị. Tuy nhiên, liệu mô hình này có mang lại hiệu quả khi mà hệ thống y tế cơ sở đã từng nhiều lần… khắc nhập, khắc xuất!
Y tế cơ sở - hết tách, lại nhập

Theo Thông tư liên tịch 51/2015 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, trong năm 2016 sẽ tiến hành sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt với y tế dự phòng. Theo đó, các cơ sở sẽ sáp nhập thành một khối liên kết, phù hợp hơn với vai trò, tiêu chí, chức năng của từng đơn vị. Tuy nhiên, liệu mô hình này có mang lại hiệu quả khi mà hệ thống y tế cơ sở đã từng nhiều lần… khắc nhập, khắc xuất!

Y tế cơ sở - hết tách, lại nhập ảnh 1

Bệnh nhân nội trú tại một bệnh viện tuyến quận


Rối rắm mạng lưới y tế cơ sở

Vốn dĩ là Trung tâm Y tế, năm 2006, theo chủ trương chung, Trung tâm Y tế quận 7 (TPHCM) tách ra làm 2 là Bệnh viện Quận 7 và Trung tâm Y tế dự phòng quận 7. Cả hai đều nằm chung trên một khu đất nay đã được ngăn cách bởi một vách tường. Điều đáng nói, đã qua 10 năm nay, cả hai đơn vị nói trên vẫn chưa có gì gọi là “thay da đổi thịt”. Chưa nói đến yếu tố nhân sự, ngay cả cơ sở vật chất thì cả Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 và Bệnh viện Quận 7 vẫn là những dãy nhà tạm bợ, cũ kỹ. Có chăng, từ hai năm nay, phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Thập của hai đơn vị nói trên được “hợp tác” mở thêm nhà thuốc, phòng khám bác sĩ gia đình. Điều khác biệt giữa hai đơn vị: một bên thuộc khối điều trị, một bên thuộc khối dự phòng. Trung tâm Y tế dự phòng chủ yếu đảm nhiệm phòng chống dịch bệnh nhưng cũng đang đấu tranh để được phép kiêm thêm phần khám bệnh... Tương tự, hàng loạt trung tâm y tế khác cũng đã được chia tách thành hai và đến nay nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thiện được đội ngũ, cơ sở vật chất theo như chủ trương…

Thực tế, từ năm 2006, TPHCM đã cho phép “khắc xuất” một loạt đơn vị thuộc y tế cơ sở để thành lập các trung tâm riêng. Nếu nói về trung tâm, chi cục trực thuộc Sở Y tế TPHCM, hiện đã lên tới con số cả chục. Chưa nói đến quy chế hoạt động, hiệu quả hoạt động, chỉ riêng cơ sở vật chất, con người cũng đã là một “khối” đồ sộ! Ví dụ như  các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện (được tách từ Trung tâm Y tế vào năm 2006), đến nay hầu hết đều được xây dựng trụ sở mới, bộ máy nhân sự mới, trang thiết bị mới. Song điều quan ngại là đội ngũ cán bộ chuyên trách chỉ có số ít được đào tạo bài bản, chính quy về y tế cộng đồng hay y tế dự phòng, còn đa số chỉ là tập huấn.

Theo Bộ Y tế, hiện nay ở nhiều địa phương tồn tại trung bình 5 - 7 trung tâm, cá biệt có địa phương lên đến 12 - 15 trung tâm. “Đây thực sự là một bộ máy cồng kềnh, tốn kém chi phí ngân sách rất lớn, nhưng cần xem lại hiệu quả hoạt động”, một lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ.

“Khắc nhập” để tinh giảm

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), việc cải tổ bộ máy ở tuyến tỉnh sẽ được thực hiện ngay từ tháng 1-2016. “Việc sáp nhập các trung tâm, y tế cơ sở sẽ giúp tinh giảm rất nhiều về nhân lực. Điển hình như riêng đội ngũ giám đốc các trung tâm sẽ giảm từ 5 - 12 người xuống còn 1 giám đốc duy nhất. Như vậy, tính chung trên toàn quốc sẽ giảm hàng trăm xe công phục vụ riêng các giám đốc; giảm xây dựng mới hàng trăm trụ sở công”, ông Tác đánh giá. Theo các chuyên gia y tế, thực trạng chức năng chồng chéo của hệ thống y tế cơ sở lâu nay rất lớn, làm cản trở lẫn nhau hoặc là “cha chung không ai khóc”.

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, Thông tư 51 nói trên hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố và Phòng Y tế thuộc UBND quận, huyện, thị xã… sẽ là một bước “đột phá”, nhằm cải tổ lại bộ máy tinh gọn mà hiệu quả. Theo đó, cơ cấu bộ máy Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ được không quá 7 phòng, ban tham mưu. Riêng các cơ quan trực thuộc Sở Y tế chỉ còn Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị sự nghiệp công lập. Lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành thực hiện mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng). Các trung tâm chuyên khoa, trung tâm có giường bệnh chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc thành lập bệnh viện chuyên khoa khi có nhu cầu và có đủ điều kiện về nguồn lực. Lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, gồm: Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện y dược cổ truyền tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ thành lập bệnh viện đa khoa ở tuyến huyện khi thực sự có nhu cầu, điều kiện và phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn là bệnh viện hạng 2 trở lên, do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lĩnh vực kiểm nghiệm, pháp y, giám định y khoa… mỗi lĩnh vực chỉ có một trung tâm. Đáng chú ý, sẽ sáp nhập các đơn vị tuyến quận, huyện thành trung tâm y tế quận, huyện; nhằm đảm bảo thống nhất điều hành trong việc phòng chống dịch bệnh và điều trị cho người dân đạt kết quả tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở, nguồn lực đầu tư tập trung…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục