Yên tâm mua sắm khi có hàng bình ổn

TPHCM hiện có 45 doanh nghiệp cung ứng, phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường với cam kết không tăng giá trong suốt thời gian trước, trong và sau tết. Do vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm tết mà không sợ bị khan hàng, tăng giá đột biến.

Hàng bình ổn đủ sức chi phối thị trường
Hàng bình ổn đủ sức chi phối thị trường

Theo nhận định chung của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), tình hình chung là nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, dẫn tới phải cắt giảm tiền lương của người lao động, thậm chí có doanh nghiệp còn buộc phải sa thải lao động. Hiểu được khó khăn của người dân và doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM cho biết đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường, giúp người dân có tết đoàn viên.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, tính đến hiện tại đã có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Những doanh nghiệp này là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối và cũng là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm nay có sự tham gia, đồng hành của các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market… Theo đó, Saigon Co.op cho biết đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng để dự trữ nguồn hàng thiết yếu từ sớm và phần lớn ngân sách sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Satra cũng chia sẻ đã dự trữ hơn 550 tỷ đồng hàng hóa (tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023) cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Thìn 2024. Riêng dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14%, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 4% đến hơn 18%.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, Vissan, C.P Việt Nam, Sagri (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm), Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm)… đều có kế hoạch tham gia chương trình từ sớm nên đã chủ động trong phương án nguồn hàng cũng như giá cả hàng hóa. Chẳng hạn, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ Tết 2023 và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Vissan khẳng định sẽ giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau tết.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm nay các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng dịp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25%-43%.

Trong đó, bình quân, mỗi tháng các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản… Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có). Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, mất cân đối cung - cầu trong mọi tình huống.

“Với hơn 22.000 tỷ đồng trữ hàng và bảo đảm lượng gạo, chúng tôi bảo đảm đủ hàng tiêu dùng, tránh sự thiếu hụt và tăng giá đột biến dịp tết”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh. Sở Công thương cùng các đơn vị cũng đang ráo riết chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đa dạng hàng hóa cung ứng thị trường dịp tết. Trong tháng 12-2023, sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu phục vụ tết; tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung để doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa tốt với giá cả hợp lý.

Sở Công thương TPHCM đang tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp tết như bánh kẹo, nước giải khát; chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng.

Tin cùng chuyên mục