
* Nghệ An: 21.300 học sinh vùng lũ phải nghỉ học
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ sau cơn bão số 5 do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức sáng 8-10, tại Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Bùi Nguyên Hồng cho biết: Tình hình lũ tại một số nơi đang giảm dần; hiện nay công tác cứu trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Nỗi đau khôn nguôi khi cơn lũ đi qua. Ảnh: DUY CƯỜNG
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến 20 giờ ngày 7-10, các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung bộ có 51 người chết và 14 người mất tích do mưa lũ khi bão số 5 đổ vào. Cụ thể, Sơn La: 7 người chết và 3 người mất tích; Hòa Bình: 9 người chết và 3 người mất tích; Ninh Bình: 4 người chết do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa: 6 người chết và 3 người mất tích; Nghệ An: 22 người chết và 3 người mất tích; Yên Bái: 1 người chết và 1 người mất tích; Thừa Thiên - Huế 1 chiến sĩ biên phòng mất tích do bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ đã làm gần 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập; 51.794 nhà bị ngập, hư hỏng; 213 trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại; 120.000ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; gần 841.815m3 đất bị sạt lở.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã cử các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đi kiểm tra và phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Nghệ An, Sơn La và tiếp tục chỉ đạo công tác hộ đê tại tỉnh Thanh Hóa. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã xuất hàng dự trữ quốc gia chuyển cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ 7 xuồng, 120 nhà bạt, 1.700 phao cứu sinh. Bộ Quốc phòng đã huy động tổng số 4.488 bộ đội, 31.166 dân quân tự vệ, 500 quân dự bị động viên, 93 xuồng, 213 xe ô tô, 2 xe đặc chủng tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả. Ủy ban huy động 3 máy bay trực thăng bay thị sát và thả hàng cứu trợ, thực hiện được 11 chuyến bay vận chuyển 8 tấn hàng cứu trợ cho các huyện Quế Phong (Nghệ An), Thạch Thành (Thanh Hóa) và Gia Viễn (Ninh Bình).

Đến chiều ngày 8-10 người dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vẫn sống trên nóc nhà do lũ rút chậm. Ảnh: MINH PHONG
* Ngày 8-10, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu Công ty Dược Trung ương III cấp cho Sở Y tế các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An 80 cơ số thuốc, 300 áo phao và và 1.100.000 viên CloraminB để giúp các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 5. Bộ Y tế cũng quyết định hỗ trợ ngành y tế các tỉnh Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An 130 cơ số dụng cụ y tế do UNICEF viện trợ để phòng chống bão lụt năm 2007. Trước đó, Bộ Y tế đã chuyển 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão cho 5 tỉnh miền Trung.
* Đến ngày 8-10, 21.300 học sinh các cấp của 426 trường thuộc các huyện: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An vẫn phải nghỉ học vì ngập lụt.
Theo thống kê, bão số 5 đã làm 1 giáo viên ở huyện Quế Phong, 2 học sinh ở huyện Tương Dương bị chết đuối, 80 phòng học bị tốc mái, 1.635m tường rào bị đổ, 113 phòng học bị ngập nặng. Phải mất một thời gian nước lũ mới rút hết, nên học sinh phải nghỉ học ít nhất khoảng 2 tuần.
Ngành giáo dục Nghệ An đang bố trí thời gian hợp lý để dạy bù chương trình cho học sinh các vùng lũ. Trước mắt, Sở GD-ĐT phát động cán bộ, công nhân viên, giáo viên trên địa bàn TP Vinh ủng hộ mỗi người từ 1 đến 2 ngày lương và phát động toàn thể học sinh TP Vinh quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập ủng hộ học sinh vùng lũ, đặc biệt là 200 hộ dân xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) trong thời gian nhanh nhất.
Ngành y tế hỗ trợ Nghệ An khẩn cấp 8 cơ số thuốc cho hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu; cử đoàn bác sĩ, cán bộ y tế của tỉnh, huyện vào cắm chốt 2 tuần tại vùng trọng điểm xã Nậm Giải và vùng lân cận, khám chữa bệnh cho những người bị thương trong cơn bão số 5.
NHÓM PV Hòa Bình – Sơn La VĂN PHÚC HẬU (TTXVN) NHNN ủng hộ 300 triệu đồng giúp đồng bào bị nạn trong bão số 5 H.Y.
Quốc lộ 6 thành “bãi chiến trường” vì lũ
Trận lũ kinh hoàng vì mưa bão lớn trải dọc trên một vùng rộng từ Tây Bắc vào Bắc Trung bộ đã làm tuyến quốc lộ 6 - huyết mạch từ thủ đô Hà Nội lên vùng Tây Bắc - bị tàn phá nặng nề. Cho đến chiều qua 8-10, hàng trăm xe ô tô chở khách, xe tải chở hàng hóa, lâm sản cùng với hàng ngàn người dân vẫn bị mắc kẹt trên nhiều cung đường sạt lở khác nhau. Họ bị “treo” lại giữa vùng nước ngập, đói ăn, khát uống, âu sầu, mỏi mệt. Hàng hóa, hoa quả cũng đang dần dần thối rữa.
Trước tình cảnh nguy cấp trên, UBND tỉnh Hòa Bình đã huy động tất cả lực lượng, cơ quan chức năng trong tỉnh mau chóng tìm cách “giải vây” cho hàng ngàn người dân ở hàng chục xã nằm dọc quốc lộ 6 cùng phương tiện giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, tổng khối lượng đất đá sạt lở trên các cung đường ở Hòa Bình đã lên tới 115.000m3. Trong đó, “thảm cảnh” hơn cả là quốc lộ 6, đoạn từ thị xã Hòa Bình lên huyện Mộc Châu (Sơn La) với chiều dài gần 60km bị lũ đánh chìm, cuốn trôi, làm sạt lở thành nhiều cung đoạn, cắt đứt con đường huyết mạch từ Hà Nội, Hòa Bình lên Tây Bắc và ngược lại.
Riêng đoạn từ ngã ba xã Tòng Đậu (Mai Châu, Hòa Bình) lên xã Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La) chạy dài hơn 20km thì như một “bãi chiến trường” ngổn ngang sỏi đá, bùn lầy, đổ nát, cây long tróc rễ do nhiều đoạn ngập sâu trong nước tới 2 - 3m. Trong đó, đoạn quốc lộ 6 từ xã Đồng Bảng đi xã Tân Sơn (cùng huyện Mai Châu), rất nhiều chỗ mặt đường đã bị nước cuốn trôi xuống vực sâu 6 - 8m, chạy dài 15 - 20m. Giao thông dọc theo các tuyến đường hoàn toàn tê liệt. Hơn 100 xe ô tô vẫn đang nằm lại bìa rừng để chờ đường thông tuyến. Nhiều chủ xe đã phải xót xa đổ bỏ cả núi dưa hấu, su su xuống vệ đường vì hàng bắt đầu thối, héo.
Tính đến chiều qua 8-10, Hòa Bình đã thống kê có 11 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương do lũ lụt cuốn trôi, sạt lở đất, lật thuyền. Không chỉ làm chết nhiều người, lũ lụt dâng cao còn biến hàng trăm ngôi làng của tỉnh Hòa Bình thành biển nước, khiến các huyện như Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Thủy, Yên Thủy trở thành ốc đảo, không thể đi lại với bên ngoài, mạng lưới điện và thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt hoàn toàn. Lũ lụt đã làm 1.155 ngôi nhà dân, 5 ngôi trường cùng hơn 8.000ha vườn tược, đồng bãi, hoa màu… chìm trong nước, 17 ngôi nhà của dân bị đánh sập. UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định trích 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng xử lý hậu quả mưa lũ, hỗ trợ 3 triệu đồng cho 1 người chết, 5 triệu đồng cho gia đình bị mất nhà, 3 triệu đồng cho gia đình có nhà bị hư hỏng nặng và 1,5 triệu đồng cho mỗi người bị thương. Theo thống kê, lũ lụt đã làm cho tỉnh Hòa Bình chịu thiệt hại hơn 110 tỷ đồng (chưa kể thiệt hại từ quốc lộ 6).
Văn phòng Trung ương Đảng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 5
Chiều 8-10, Văn phòng Trung ương Đảng đã phát động cán bộ, nhân viên trong cơ quan quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 5 gây ra. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên văn phòng đã dự lễ phát động.
Với tinh thần tương thân, tương ái và tấm lòng nhường cơm sẻ áo, cán bộ, nhân viên trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng đã quyên góp mỗi người một ngày lương với tổng số tiền 240 triệu đồng.
Hôm qua, 8-10, Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Trung ương đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 5 trong toàn thể cán bộ công nhân viên chức NHNN Trung ương. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, các đồng chí trong ban lãnh đạo NHNN và trên 1.600 cán bộ công nhân viên Ngân hàng Trung ương đã tham gia lễ phát động, và bước đầu huy động được gần 100 triệu đồng bằng một phần tiền lương của mỗi người.
Cùng với nguồn tiền trên 200 triệu đồng từ quỹ công đoàn NHNN và công đoàn ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã cử một đoàn cán bộ trực tiếp vào ủng hộ đồng bào ở 3 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão số 5 là Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.