Băn khoăn cân rác tính tiền

Theo Quyết định số 67/2025/QĐ-UBND, từ ngày 1-6, TPHCM sẽ triển khai thu phí dịch vụ gom, vận chuyển, xử lý rác với mức giá được quy định cụ thể theo từng khu vực, nhằm hướng đến sự công bằng, minh bạch và thúc đẩy phân loại tại nguồn, giảm rác thải. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách tính ký để áp giá thu.

3 cách xác định khối lượng rác thải

Theo khung giá để các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, mức thu mới sẽ được tính theo khối lượng hoặc thể tích rác thải phát sinh.

Cụ thể, mức giá được chia làm 2 nhóm. Nhóm một là nhóm đối tượng được áp dụng mức giá dịch vụ có sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương gồm hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải nhỏ. Trong nhóm này, đối với trường hợp chưa triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tùy vào từng khu vực sẽ có mức giá khác nhau.

Tại khu vực TP Thủ Đức và các quận, đối với hộ gia đình, chủ nguồn thải có khối lượng rác sinh hoạt mỗi tháng từ 126kg trở xuống sẽ đóng 61.000 đồng tiền thu gom và 23.000 đồng phí vận chuyển. Nếu mỗi tháng có trên 126kg đến 250kg rác thì phí thu gom là 91.000 đồng và 34.000 vận chuyển. Đối với trường hợp khối lượng rác thải trên 250kg đến 420kg/tháng sẽ đóng 163.000 đồng tiền thu gom và 60.000 đồng vận chuyển. Khi khối lượng rác thải một tháng trên 420kg, mức phí sẽ áp dụng theo ký, khoảng 486 đồng/kg tiền thu gom và khoảng 180 đồng/kg cho vận chuyển…

rac.jpg
Thu gom rác thải sinh hoạt tại quận 3, TPHCM

Đối với trường hợp UBND TPHCM triển khai phân loại rác tại nguồn, giá dịch vụ sẽ được tính theo khối lượng tại 3 khu vực. Mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển của một hộ gia đình được xác định bằng khối lượng rác thải thống kê phát sinh trong tháng (kg/tháng) nhân với mức giá (đồng/kg). Khu vực TP Thủ Đức và các quận, mức giá thu gom tại nguồn khoảng 486 đồng/kg cộng với giá vận chuyển khoảng 180 đồng/kg. Khu vực các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ mức giá thu gom tại nguồn khoảng 453 đồng/kg cộng với giá vận chuyển khoảng 180 đồng/kg. Khu vực huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, mức giá thu gom tại nguồn khoảng 453 đồng/kg cộng với giá vận chuyển khoảng 147 đồng/kg.

Về cách thức chi trả, UBND cấp huyện tổ chức thống kê khối lượng rác thải phát sinh sau phân loại của hộ gia đình, cá nhân trong một khoảng thời gian do các bên tự thỏa thuận làm cơ sở xác định khối lượng rác thu giá dịch vụ. Khối lượng rác thải phát sinh sau phân loại có thể lựa chọn một trong 3 cách tính.

Thứ nhất, cân trực tiếp để xác định khối lượng.

Thứ hai, thống kê số lượng, loại thể tích thiết bị chứa đựng rác thải, sau đó áp dụng hệ số quy đổi dung tích thiết bị lưu chứa rác (1m3 tương đương 420kg). Thứ ba, UBND cấp huyện có thể chủ động áp dụng các phương pháp khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đối với nhóm 2, nhóm đối tượng là các chủ nguồn thải lớn phải trả giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt.

Theo ghi nhận, hiện chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố đang lên kế hoạch thực hiện. Ông Vương Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, cho biết, phường đang chờ quận tổ chức triển khai việc áp dụng theo bảng giá mới.

Trong khi đó, ông Lại Phú Cường, Trưởng Phòng TN-MT quận Bình Tân, cho rằng, theo quy định mới, mức rác dưới 126kg/tháng là mức áp dụng cho hộ gia đình, không phải cân ký; hộ nào có lượng rác vượt quá 126kg/tháng thì mới cân ký để tính tiền. Tuy nhiên, đối với những hộ có nhiều nhân khẩu hoặc hộ kinh doanh có lượng rác thải nhiều thì theo quy định “tính đúng tính đủ”, thải rác bao nhiêu sẽ tính theo ký bấy nhiêu.

“Thông thường các đơn vị thu gom không thể bỏ công ra cân ký từng hộ mà cách xác định lượng rác thải theo cách khoán khối lượng để ra đơn giá. Quyết định mới đã xây dựng được định mức giá, dựa trên cơ sở này các đơn vị thu gom sẽ thỏa thuận với người dân về mức giá cụ thể”, ông Lại Phú Cường chia sẻ.

Hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh 9.800-10.500 tấn rác sinh hoạt. Theo báo cáo của UBND TPHCM, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế trên địa bàn thành phố đạt 33%, còn lại 67% khối lượng rác sinh hoạt vẫn xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

Tính giá theo ký sẽ áp dụng khi phân loại rác tại nguồn

Là cư dân tại quận Gò Vấp, ông Thanh Hưng thắc mắc: “Nếu áp dụng trả tiền rác theo quy định mới, các hộ dùng chung thùng rác làm sao xác định được lượng rác của từng hộ để đóng tiền. Chẳng hạn ở chung cư thùng rác bỏ chung, vậy cân ký tính tiền bằng cách nào?”. Làm nghề thu gom rác dân lập tại quận Tân Phú, bà N.T.N. nêu: “Mỗi tháng, chúng tôi vẫn thu mỗi hộ với đơn giá là 70.000 đồng/tháng. Nếu thành phố triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn thì việc xác định khối lượng của từng hộ để xác định mức đóng hàng tháng không dễ. Bởi đa phần người dân bỏ rác trước nhà hoặc gom chung vào thùng lớn, cũng có khi rác của hộ dân phát sinh thêm từ người đi đường tiện tay bỏ vào”.

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Sở NN-MT TPHCM cho biết, về áp dụng mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo quyết định mới cần hiểu rằng không phải áp dụng việc cân ký để tính tiền rác mà địa phương có thể áp dụng nhiều phương thức để xác định mức thu. Trong thời gian tới, sở sẽ có văn bản hướng dẫn để thực hiện. Ngoài ra, hiện TPHCM chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn nên chưa áp dụng việc tính giá theo khối lượng, thể tích. Việc tính đơn giá theo khối lượng, thể tích sẽ được áp dụng khi thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đại diện Sở NN-MT TPHCM cho hay, cơ quan này đã trình UBND TPHCM về đề án phân loại rác tại nguồn.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường TPHCM: Giá thu sẽ khó định lượng

Triển khai chương trình này có 3 việc thành phố cần làm.

Thứ nhất, cần phải lập phiếu đăng ký xả rác thải đến người dân. Trong đó, quy định mỗi tháng một hộ dân chỉ thải rác tối đa là 126kg tương đương với giá tiền tối thiểu. Trường hợp hộ dân nào có đăng ký thêm thì sẽ đăng ký và trả thêm tiền, điều này tạo sự bình đẳng, dân chủ.

Thứ hai, địa phương cần xác định khối lượng rác để áp giá thu, trước mắt sẽ định tính trước chứ không thể định lượng.

Thứ ba, thông thường việc thu tiền rác sẽ do đơn vị thu gom rác dân lập thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng loạn giá như hiện nay. Chính vì thế, chính quyền phường, xã phải là đơn vị trực tiếp thu, vì nắm được tình hình dân cư.

Tin cùng chuyên mục