Báo động ô nhiễm môi trường tại Hội An

Quá trình đô thị hóa nhanh, áp lực gia tăng các hoạt động du lịch, dịch vụ khiến môi trường tự nhiên tại các khu dân cư ở Hội An thêm bức bí. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường Hội An dù cấp thiết nhưng không hề đơn giản.

Sông Hoài bốc mùi

Được ví như dòng sông thơ mộng chạy ngang qua đô thị di sản nhưng hiện sông Hoài đã trở nên “khó gần” hơn vì mức độ ô nhiễm, hôi thối, nhất là buổi trưa nắng gắt, nước sông khô cạn.

Thời điểm này đứng tại các tuyến đường Công nữ Ngọc Hoa, Bạch Đằng hay Nguyễn Phúc Chu mới cảm nhận được sự ngột ngạt hôi hám từ dòng sông bốc lên.

Kể cả khu vực Chùa Cầu, biểu tượng của di sản Hội An và Quảng Nam mức độ hôi thối cũng không hề thua kém.

Nước tại khu vực Chùa Cầu đã bị ô nhiễm rất nhiều
Ngoài sông Hoài hay khu vực Chùa Cầu các kênh rạch tại Cẩm Châu, Cẩm Thanh…chất lượng nước đều không đạt chuẩn.
Một cuộc khảo sát mới đây của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy, nồng độ một số chất đo được tại vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn quy định.
Sông Hoài ngày càng ô nhiễm
Cụ thể, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250 - 350 mg/l, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn Coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Lượng nước ô nhiễm và tù đọng lâu ngày hôi thối khiến không ít người dí dỏm ví von Chùa Cầu thành cầu… chùa (ai cũng có thể vô tư thải xuống đó).
Du khách vớt rác
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước thải trên địa bàn. Ngoài vị trí nằm ở hạ nguồn sông Thu Bồn nên khó chủ động kiểm soát được chất lượng nước từ thượng nguồn chảy về thì một nguyên nhân chính là hoạt động du lịch, dịch vụ Hội An phát triển quá nhanh, trong khi các công trình xử lý nước thải đô thị ở nhiều khu vực chưa được xây dựng, chưa kể hoạt động sản xuất kinh doanh không tập trung cũng gây ra khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chung tay bảo vệ môi trường
Cuối năm 2016 Nhà máy xử lý nước thải Hội An được khánh thành (đặt tại thôn 8, xã Cẩm Thanh), công suất xử lý theo thiết kế 6.750m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư gần 95 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế nước về nhà máy chỉ khoảng 1.200m3 ngày/đêm do một số hộ dân chưa đấu nối vào hệ thống thu gom chính.
Chưa kể, việc xử lý nước thải tại nhà máy cũng chỉ mới bó hẹp tại các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và một phần diện tích của 2 phường Tân An và Cẩm Châu (tương đương 40% lượng nước thải trên địa bàn thành phố); đồng nghĩa khoảng 60% diện tích khu dân cư của Hội An (những nơi ở xa) việc xử lý nước thải chủ yếu bằng cách thoát ra ngoài chung giữa nước thải và nước mưa chảy tràn.

“Để giải quyết triệt để 60% lượng nước thải đô thị còn lại, thành phố sẽ thực hiện phương án thu gom, xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán, bước đầu đã thiết kế đầu tư các trạm xử lý tại Khu tái định cư Làng Chài, Khu công nghiệp Thanh Hà, Khu đô thị Thanh Hà. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ thiết kế, xây dựng Trạm xử lý nước thải Chùa Cầu có công suất 2.000 m3/ngày với tổng mức đầu tư trên 243 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ khánh thành. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề nước thải sinh hoạt khu vực phường Tân An và khu dân cư thuộc tỉnh lộ 607, ước chiếm khoảng 30% lượng nước thải của thành phố”, ông Dũng cho biết.

Nỗi lo rác thải

Không phủ nhận những năm qua công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị của TP Hội An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân được nâng lên đáng kể; mức độ ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường từng bước được hạn chế, khắc phục; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các công trình kiến trúc, các di sản văn hóa đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Rác thải được đổ đống ở Cù Lao Chàm
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đặt ra nhiều thách thức cho Hội An. Tại một số khu vực, tình trạng ô nhiễm từ nước thải, rác thải của các doanh nghiệp và hộ dân chưa được xử lý triệt để. Việc khai thác quá mức nguồn lợi tự nhiên đã làm cạn kiệt tài nguyên, suy giảm các loài sinh vật… diễn ra nghiêm trọng khiến môi trường càng thêm bức bí.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Phòng TN -MT TP Hội An thừa nhận, một vấn đề đáng lo ngại nhất của thành phố hiện nay chính là rác thải.

Lò đốt rác tại Cù lao Chàm công suất không đảm bảo

Theo tính toán của Phòng TN-MT Hội An, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi ngày trên địa bàn thành phố khoảng 71,12 tấn, tương đương trên 26.031 tấn/năm. Ngoài ra, có thể kể đến chất thải do hoạt động xây dựng; rác thải nguy hại tại các cơ sở y tế, bệnh viện; rác thải ruộng đồng….

Tuy vậy,  đến nay Hội An mới chỉ xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải và 1 lò đốt rác tại Cẩm Hà công suất 80 - 100 tấn/ngày đêm (theo công suất thiết kế). Tuy vậy, khi đưa vào vận hành, nhà máy này chỉ đạt tối đa 55 tấn/ngày đêm. Trong khi đó, lượng rác thải ra của thành phố đang có xu hướng tăng thêm khi các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển.

Một nguyên nhân khiến công suất xử lý rác thải của nhà máy không như thiết kế do chất lượng rác thải đầu vào chưa đảm bảo, cụ thể chưa được phân loại triệt để khi đưa lên nhà máy gây ảnh hưởng đến hiệu suất của các công đoạn xử lý rác thải như quá trình lên men, ủ chín…
Vớt rác tại Cù Lao Chàm
Để xử lý vấn đề rác thải ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì nhiều biện pháp chế tài cũng được thực hiện.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai và duy trì các mô hình về quản lý chất thải rắn như: “Phân loại rác thải tại nguồn”, “nói không với túi nylon”, “sản xuất phân compost tại hộ gia đình”, “nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”, “giáo dục môi trường trong học đường”, “Hội Phụ nữ thu gom phế liệu”, “Hội Nông dân với rác thải đồng ruộng”... nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý chất thải rắn.

“Với tốc độ gia tăng khách như hiện nay, thời gian tới Hội An phải thu gom gần 100.000 tấn/năm trong khi công suất hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải Cẩm Hà chỉ khoảng 55 tấn ngày/ đêm như hiện tại là đáng lo ngại. Để xử lý lượng rác tồn, ngoài một số được chở vô huyện Núi Thành, còn lại chủ yếu đổ ra bãi tại nhà máy. Do đó, thành phố cần nhanh chóng xúc tiến kêu gọi đầu tư, tìm ra các giải pháp, xây mới các nhà máy xử lý rác thải thời gian tới”, ông Hùng đề xuất.

Tin cùng chuyên mục