Bão Mangkhut suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 16-9, bão Mangkhut (số 6) đã đổ bộ vào phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức tàn phá rất dữ dội. 
 Một đoạn đường bị hư hại do bão Mangkhut trên đảo Luzon, Philippines. Ảnh: REUTERS
Một đoạn đường bị hư hại do bão Mangkhut trên đảo Luzon, Philippines. Ảnh: REUTERS

Theo đó, chiều 16-9, tâm bão nằm ngay trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm cấp 13, giật cấp 15. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ vùng tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.

Sau khi đi vào đất liền Trung Quốc, bão vẫn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 - 30km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, đến chiều 17-9, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,4 độ vĩ Bắc - 106,8 độ kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông (nơi bão đi qua) vẫn còn có mưa, gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11 vào tối 16-9, biển động rất mạnh. Ở vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ (phía Bắc vĩ tuyến 20 và phía Đông kinh tuyến 107,5) có mưa, gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3 - 4m. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, đêm 16-9 ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; các tỉnh khác ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.

Dự báo trong 24 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến ngày 18-9, tâm vùng áp thấp nằm trên đất liền phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Vì vậy, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ sáng sớm 17-9 đến 18-9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150 - 200mm. Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100 - 150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.

Cùng với lũ lên ở một số sông, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.

Mặc dù bão không đổ bộ trực tiếp vào nước ta, tuy nhiên, sáng 16-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát, đôn đốc công tác ứng phó bão số 6 tại tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã đến động viên lực lượng ứng phó bão số 6 tại tuyến đê Hà Nam, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, sau đó đi kiểm tra hồ Yên Lập - TP Hạ Long và nghe báo cáo tình hình triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 6. Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, các lực lượng trong việc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, dân quân, thanh niên xung phong… đã tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với mưa bão. Mặc dù bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc nhưng Bắc vịnh Bắc bộ vẫn có gió mạnh cấp 7 đến cấp 8, giật cấp 9 - 10 gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Vùng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Ninh có thể có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để chủ động phòng tránh, có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ. Tuyệt đối cấm tàu thuyền ra khơi khi mưa bão đang diễn ra. Đối với các phương tiện đã vào khu tránh bão, phải bố trí neo đậu, lương thực thiết yếu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở việc chủ động vận hành an toàn và hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là các hồ xung yếu, không để xảy ra sự cố như đập Đầm Hà Động trước đây. Trong tình huống mưa lũ lớn phải xả lũ, yêu cầu thực hiện đúng quy trình, thông báo kịp thời với người dân để đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo tình hình ứng phó với bão số 6 tại Hải Phòng. Tại đây, đoàn công tác của ông Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra công tác hộ đê phòng chống thiên tai trên tuyến đê biển 3. Căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và diễn biến tình hình thực tế hiện nay, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 10 giờ sáng 16-9. 

             Hồng Công, Macao ban bố báo động đỏ vì bão Mangkhut

Theo SCMP, sáng 16-9, chính quyền Trung Quốc, đặc khu Hồng Công và Macao lần lượt ban bố cảnh báo cấp độ 10 (cấp cao nhất) và cấp 9 khi siêu bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ vào khu vực này.  

Cục Thủy lợi Hồng Công cho biết khi siêu bão Mangkhut đổ bộ, toàn Hồng Công có 5 khu vực bị ngập lụt, trong đó nặng là làng chài Lý Ngư Môn trên đảo Cửu Long với lượng nước đo được lên tới hơn 1m. Tại đảo Trường Châu, hòn đảo cực Nam của bán đảo Hồng Công, sức gió mạnh nhất từ 135 - 155km/giờ, sóng biển dâng cao từ 5 - 9m. Gió mạnh đã khiến cây trên các tuyến đường và trong các công viên trên toàn Hồng Công gãy đổ, cửa kính của nhiều tòa nhà cao tầng bị vỡ vụn.

Trong ngày 16-9 có 889 chuyến bay từ sân bay quốc tế Chek Lap Kok của Hồng Công bị hủy. Hệ thống đường sắt buộc phải ngừng hoạt động các tuyến lộ thiên và trên cao, trong khi hệ thống tàu điện ngầm cũng chỉ phục vụ hạn chế. Hệ thống xe buýt nội đô của Hồng Công cũng ngừng hoạt động. Các trường học và trung tâm thương mại, công sở đóng cửa, chỉ còn lại lực lượng cứu hộ túc trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ.

Hiện chưa có thông tin về người mất tích hay bị thiệt mạng do siêu bão Mangkhut gây ra. Tuy nhiên, gần 800 người đã phải tới tránh bão tại Trung tâm lánh nạn tạm thời của Cục Dân chính Hồng Công và các bệnh viện trên toàn Hồng Công tiếp nhận 111 người bị thương. Chính quyền các địa phương đã phát cảnh báo đối với người dân và yêu cầu các cơ sở kinh doanh, cửa hàng và giao thông ngừng hoạt động trong thời gian bão Mangkhut đổ bộ. 

Trước đó, bão Mangkhut hoành hành tại Philippines gây ra mưa lớn và lũ quét khiến ít nhất 25 người thiệt mạng (theo số liệu mới nhất của SCMP), thiệt hại lớn về vật chất.
                                                                                                                                   Việt Lê

Tin cùng chuyên mục