Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý về những nhiệm vụ, giải pháp, quyết sách tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của người dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống dân cư, bảo đảm thích ứng sau đại dịch Covid-19.

Chiều 1-12, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 10 mở rộng, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM...

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 1 Các đại biểu tại Hội nghị Thành uỷ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày (chiều 1-12 và ngày 2-12), được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tới 2 điểm cầu Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu (quận 3).

Hội nghị tập trung cho ý kiến về các vấn đề: Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2025; Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 2 Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cải thiện môi trường sống của người dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh hai nhóm vấn đề: kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, cuối tháng 9-2021, TPHCM đã từng bước kiểm soát dịch Covid-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới”, nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua, các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quý I-2021, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến 6 tháng đầu năm thì bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế - xã hội sụt giảm nghiêm trọng.

“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử của TPHCM từ giai đoạn đổi mới, thành phố tăng trưởng -6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng 6%”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Theo dự toán, năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Dù vậy vẫn có một số điểm sáng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đưa ra những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, xác định chủ đề năm 2022, có thể là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư”. Điều đó có nghĩa là TPHCM thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021.

Đặc biệt, cần cho ý kiến về các nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022. 

“Cần bổ sung thêm những nhiệm vụ, giải pháp, quyết sách gì để có thể tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống dân cư, bảo đảm thích ứng sau đại dịch Covid-19”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng đề cập tình trạng đội ngũ y tế cơ sở có dấu hiệu mệt mỏi, một số nơi có người xin nghỉ việc, một số nơi áp lực lớn. Vì vậy, hội nghị cần đi sâu thảo luận về biện pháp cấp bách củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế lưu động; bàn các giải pháp, chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần, mang tính thiết thực cho đội ngũ y tế cơ sở.

“Bình thường mới” cần tư duy, giải pháp mới

Đi cụ thể về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nhận xét dịch Covid-19 vẫn còn nhiều rủi ro, phức tạp và nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận đánh giá sâu sát, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Tập trung cho ý kiến vào các định hướng lớn cùng các nhóm giải pháp quan trọng sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn (từ nay đến hết năm 2022 và từ năm 2023 đến năm 2025). Đồng thời cho ý kiến về huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền để bảo đảm thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, kế hoạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó quyết định thành công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.

“TPHCM đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã đề ra. Nhưng trong bối cảnh “bình thường mới”, chắc chắn cần có tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới và kế hoạch phù hợp, cần phải điều chỉnh vấn đề gì?”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề.

Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng liên quan chủ đề nâng cao chất lượng chính quyền đô thị gắn với triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng khoa học - công nghệ và chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số; các đề án phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị hay đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế…

Đồng chí cũng đề cập nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhấn mạnh, đây là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, 5 năm và lâu dài, bảo đảm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TPHCM trở thành TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế...

“Việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch nói trên, chúng ta có một khuyết điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu”, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá và yêu cầu các đại biểu hiến kế cách thức triển khai, thực hiện sao cho hiệu quả, đồng bộ, đi vào thực tiễn.
Phía sau tấm gương dũng cảm vẫn còn người hèn nhát
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, qua những tháng ngày đầy thử thách cam go và khốc liệt, chúng ta đã chứng kiến một tinh thần dũng cảm, quyết tâm, quyết liệt và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ.  

Tuy nhiên, cũng qua công tác ứng phó với dịch bệnh, chúng ta có thể nhìn thấy rõ những hạn chế, bất cập của bộ máy và cán bộ từng cấp, từng nơi, từng lĩnh vực mà bình thường khó thấy. Có nghĩa là phía sau những tấm gương người dũng cảm thì vẫn còn có người hèn nhát, ích kỷ; phía sau những tấm gương tận tụy vẫn còn những người né tránh, ngại khó. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 5 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoà Bình tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các đại biểu thảo luận cho ý kiến trước hết về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng, với dự kiến là: “Ðẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

TPHCM nỗ lực thu ngân sách đạt 100% dự toán

Theo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, trong năm 2021, thành phố chịu tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ 4. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách triệt để (quý 3), tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm sâu, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Điều này làm các chỉ tiêu kinh tế của thành phố trong năm giảm mạnh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước giảm 10,04%; khu dịch vụ ước giảm 3,53% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm đến 15,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 5,5%; số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm gần 27,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch ngập khẩu ước tăng 24,9%; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 300.437 người (đạt 101,1% kế hoạch), thu hút nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD (tăng gần 11%), lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9%). Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 362.040 tỷ đồng, đạt 99,22%. Hiện TPHCM đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân ảnh 6 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, kinh nghiệm, năng lực ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút. Thực tế cho thấy nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa lại kinh tế.


Dù vậy, năm 2022 thành phố có điều kiện, lợi thế để từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2021 là tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine cao. Độ phủ vaccine của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm, hàng hóa giữa các vùng, miền được thông suốt. Điểm đáng lưu ý nữa, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM tăng từ 18% lên 21% cũng tạo tiền đề và nguồn lực để thành phố phát triển.


Từ đó, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Đó là việc phát triển kinh tế trên cơ sở “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19” bằng việc nâng cao năng lực y tế; thực hiện nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội...

Tin cùng chuyên mục