Tuy nhiên, với mức học phí hiện nay, chi phí đào tạo đối với một sinh viên/năm của nước ta gần như thấp nhất so với châu lục và thế giới.
Mỗi năm mỗi điều chỉnh
Theo Nghị định 86 của Chính phủ, từ năm 2015 đến 2021, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo (kể cả 23 trường ĐH được Thủ tướng cho thí điểm tự chủ) như sau: Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản từ nay đến năm học 2020 là 18,5 triệu đồng/năm và năm 2021 là 20,05 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch lần lượt là 22 triệu đồng/năm và 24 triệu đồng/năm; khối ngành y dược là 46 triệu đồng/năm và 50,05 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, đối với các trường công lập chưa tự chủ, mức học phí kịch trần năm 2021 của các khối ngành tương ứng chỉ là 9,8 triệu đồng/năm, 11,7 triệu đồng/năm, 14,3 triệu đồng/năm.
Như vậy, theo Nghị định 86, đối với các trường thí điểm tự chủ và trường công tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên thì 2 năm sẽ tăng học phí một lần.
Trong khi đó, đối với các trường công lập khác (vẫn còn nhà nước bao cấp), học phí điều chỉnh hàng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước từ 700.000 - 900.000 đồng/năm.
Trong 2 nhóm trường trên thì khối ngành y dược có mức học phí cao nhất với 46 triệu đồng/năm. Riêng nhóm trường tư thục, học phí từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, nếu so sánh về chi phí đào tạo cho một sinh viên Việt Nam với châu lục và thế giới thì sẽ thấy có sự khác biệt quá lớn. Chi phí cho một sinh viên của Việt Nam hiện nay ở mức 16,2 triệu đồng/năm (thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2017), trong khi của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/năm. Còn đối với những trường ĐH uy tín thì học phí càng cao hơn rất nhiều.
Không tăng học phí khó đảm bảo chất lượng
Nguồn thu hiện nay của các trường (cả trường công lẫn trường tư thục) có đến trên 90% từ học phí của sinh viên. Do đó, nếu không tăng chi phí đào tạo/sinh viên (trong đó có tăng học phí), chắc chắn không thể nói đến đào tạo có chất lượng, nguồn nhân lực có thể đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc tăng học phí từ trước đến nay luôn đối diện với việc phản ứng gay gắt vì dư luận cho rằng sẽ ảnh hưởng đến người học.
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tự chủ tại TPHCM cho biết, mặc dù tự chủ nhưng học phí cũng phải theo lộ trình chứ không phải muốn tăng bao nhiêu cũng được. Hiện tại học phí của các trường tự chủ hệ đại trà 15 - 19 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với trường tư.
Với mức học phí hiện nay, các trường tự chủ trong những năm đầu chỉ bù được phần kinh phí chi thường xuyên; đủ trả lương và mua sắm, sửa chữa. Còn để đầu tư phát triển thì phải vài năm nữa.
“Nói tăng học phí làm cản trở người nghèo tiếp cận ĐH chỉ đúng một phần. Trên thực tế, đề án tự chủ ghi rõ: xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên bằng việc trích 8% học phí và toàn bộ tiền lãi ngân hàng. Nên quỹ này thường tăng lên gấp 3 sau khi tự chủ. Nó giúp trường cấp nhiều học bổng cho các sinh viên nghèo, sinh viên diện chính sách. Nếu tín dụng sinh viên được cải thiện thì sẽ không có chuyện tự chủ làm cản trở việc học. Riêng tại trường, quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên tăng từ 8 tỷ đồng lên 28 tỷ đồng sau khi tự chủ. Sau khi tự chủ, trường bị cắt 55 tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm mà học phí chỉ cho tăng trong khuôn khổ nên thu chưa đủ bù chi và nuôi cán bộ giảng viên”, vị hiệu trưởng này nói.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, TS Nguyễn Thiên Tuế, cho biết: “Trường tự chủ từ năm 2015 và nguồn học bổng khá dồi dào. Ngoài những sinh viên thuộc diện chính sách được miễn giảm học phí, trường còn có nhiều chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tân sinh viên khi làm thủ tục nhập học. Cụ thể, với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn giảm 50% - 100% học phí hoặc có thể cho sinh viên làm thủ tục nhập học chứ không bắt buộc phải đóng học phí. Với những sinh viên bị ảnh hưởng thiên tai, gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất, trường sẽ giải quyết giảm học phí ngay cho các em”.
Trong khi đó, hàng loạt trường công lập tự chủ khác như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Mở, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM… nguồn học bổng để hỗ trợ sinh viên cũng đến vài chục tỷ đồng sau 4 năm thực hiện thí điểm tự chủ.
Đối với những trường này, nếu sinh viên không thuộc diện chính sách miễn giảm học phí nhưng có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần làm đơn có xác nhận của địa phương thì nhà trường sẽ giải quyết miễn giảm để an tâm nhập học.
Theo Quyết định 751/QĐ -TTg, từ ngày 15-6-2017, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 1,25 triệu đồng/tháng/HS-SV lên 1,5 triệu đồng/tháng/HS-SV (15 triệu đồng/năm).
Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí cấp đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành.
Rõ ràng việc tăng học phí không phải là cản trở cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH với người nghèo mà kèm theo là những chính sách hỗ trợ, vay vốn để trang trải việc học. Tuy nhiên, với mức vay vốn như hiện nay thì chưa thể đảm bảo để người học an tâm theo học mà cần phải tăng thêm, đồng thời Nhà nước và các trường cũng cần có nhiều chính sách để hỗ trợ người học.