Bình Định: Nông dân khốn đốn với "ông tý"

Do không có lũ nên vụ Đông Xuân 2023 – 2024 trên khắp các vựa sản xuất lúa ở tỉnh Bình Định nông dân đang “kêu trời” vì nạn chuột hoành hành, cắn phá ruộng lúa. “Đoàn quân” chuột thường hoạt động vào ban đêm, mức độ cắn phá lúa rất nhanh khiến người nông dân trồng lúa trở tay không kịp.

Khắp các cánh đồng tại Bình Định, nông dân đều kêu trời bởi “giặc” chuột, nhiều người bày "trăm phương ngàn kế" để đẩy lùi “đoàn quân” chuột từ đánh bẫy, cắm cờ, làm bù nhìn canh ruộng, phủ lưới cá, đánh bã thậm chí có người rắc muối bột, đổ nhớt, mua mì tôm và lúa gạo để chuột ăn no khỏi phá lúa… rất khốn đốn.

chuot-pha-9-7233.jpg
Một vùng ruộng lúa của người dân xã Hoài Châu Bắc bị chuột cắn phá, khoét rỗng từng đám

Đảo lộn vì chuột

Những ngày qua, trên khắp cánh đồng ở xã Hoài Châu Bắc, người nông dân trồng lúa đâu đâu cũng than trời, “tố cáo” việc bị chuột phá lúa. Khắp nơi người dân dùng đủ mọi kế sách để đẩy lùi “đội quân” chuột từ giăng bẫy, đánh bả, đổ nhớt, rắc ớt bột, cắm cờ khắp cánh đồng, làm bù nhìn canh ruộng, phủ lưới cá… nhưng "đội quân" chuột vẫn đông đúc, ngang nhiên.

chuot-pha-8-7740.jpg
"Giặc" chuột tàn phá, càn quét trên các cánh đồng lúa ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định

Cánh đồng làng Quy Thuận (xã Hoài Châu Bắc) trải rộng cả trăm héc ta, nông dân cũng đang cật lực bày đủ kế sách ngăn chặn chuột.

Nghe hỏi, bà Lê Thị Toản (54 tuổi, cùng thôn Quy Thuận) nói chua xót: “Chưa có năm nào mà nông dân chúng tôi lại sợ chuột như năm nay. Số lượng chuột ở đâu tràn đến rất nhiều, khắp nơi”.

Theo bà Toản, cứ vào khoảng 7 đến 9 giờ tối hằng ngày là chuột hoạt động, túa ra các ruộng lúa để cắn phá. Gia đình bà Toản có 3 sào lúa đang thời kỳ bón đòng, nhưng suốt cả tháng nay bà gần như mất ăn mất ngủ để bày kế chống chuột.

“Tôi mua bẫy chuột mỗi cái 5.000 đồng để đặt, rồi mua cả lưới cước, tấm bạt để bao kín ruộng lúa nhưng không ăn thua. Có vùng ruộng, tôi phải lên chợ mua ớt bột về rải để ngăn chuột, tốn kém và cực lắm!”

chuot-pha-14-2341.jpg
Lão nông đang đặt bẫy chuột bảo vệ ruộng lúa trên cánh đồng Quy Thuận (xã Hoài Châu Bắc)
chuot-pha-15-2147.jpg
Loại bẫy chuột sập làm bằng sắt được người nông dân sử dụng hiệu quả trên cánh đồng Quy Thuận
chuot-pha-12-8297.jpg
Một loại bẫy tự chế khác cũng được người nông dân sử dụng để bắt chuột, bảo vệ ruộng lúa

Bên ruộng bà Toản, các vùng ruộng của lão nông Chín Cho, Chín Vằm (cùng ở thôn Quy Thuận) cũng khốn đốn vì “giặc” chuột. Trong đó, ông Chín Vằm có 3 sào ruộng nhưng cứ gieo sạ, lúa lên khỏi mặt đất là lũ chuột lại kéo đến cắn, phá nát chỉ trong vài đêm. Đến nay, ông Vằm đã sạ đi sạ lại đến 3 lần và tổn thất rất lớn cả về công sức lẫn tiền của.

chuot-pha-11-9546.jpg
Bà Lê Thị Toản đang rất khốn đốn vì ruộng lúa bị chuột phá

Buổi chiều, lão nông Lê Minh Vui (67 tuổi) vẫn đang lui cui để sửa lại các bẫy chuột mà ông giăng kín trên 7 sào ruộng lúa (500m2/sào) của mình. Nghe hỏi đến “giặc” chuột, ông Vui mặt mày méo mó, than: “Suốt mấy tháng qua nông dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ với nạn chuột đồng. Năm nay, vụ Đông Xuân chuột quá khủng khiếp, có thời điểm dân làng diệt mỗi ngày hàng trăm con nhưng vẫn không hết”.

chuot-pha-2-9185.jpg
Lão nông Lê Minh Vui suốt cả tháng trời gần như ở ngoài cánh đồng để bảo vệ 7 sào lúa

Phát động ra quân chống chuột

Không chỉ ở cánh đồng Hoài Châu Bắc, mà theo báo cáo của UBND thị xã Hoài Nhơn khắp các cánh đồng 14 xã, phường địa bàn này đều bị ảnh hưởng bởi “giặc” chuột. Chính quyền địa phương cũng đã phát động toàn dân ra quân diệt chuột, và chi tiền thưởng 20.000 đồng/10 đuôi chuột (chuột được diệt lấy đuôi về nhận thưởng).

Từ đầu vụ, lão nông Lê Minh Vui đã diệt được trên 200 con chuột tại 7 sào lúa của gia đình. Để bẫy bắt chuột, ông mua 50 bẫy sắt (3.500 đồng/cái) loại bẫy sập và hiệu quả rất cao.

Nói về nguyên nhân chuột gia tăng, ông Vui cho rằng do năm nay toàn tỉnh Bình Định không có lũ lụt. “Không ai mong muốn lũ dữ nhưng không có mùa lũ nông dân cũng lo vì ruộng đồng không được thau rửa, mầm mống sâu bọ, chuột không bị lũ cuốn đi, phù sa không về thì mùa lúa sẽ kém thu hoặc bị chuột bọ tàn phá”, ông Vui nói.

chuot-pha-5-9800.jpg
Khắp cánh đồng Quy Thuận trải rộng người dân cắm cờ, phủ bạt để bảo vệ ruộng lúa

Ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc cho biết, để ngăn chặn nạn chuột phá hại ruộng lúa, ngay từ đầu vụ địa phương đã chủ động phát động các kế hoạch diệt chuột. Xã đã trích kinh phí 80 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua thuốc, bẫy để diệt chuột. Ngoài ra, xã cũng phát động phong trào toàn nông dân ra quân diệt chuột từ trước và trong vụ, hỗ trợ thu mua mỗi đuôi chuột 2.000 đồng để động viên, khuyến khích bà con.

chuot-pha-9-7233.jpg
"Giặc" chuột đục khoét các ruộng lúa ở xã Hoài Châu Bắc
chuot-pha-6-5384.jpg
Nông dân cắm cờ, cây để ngăn chặn chuột phá lúa

“Khoảng 2 năm trở lại đây, do mùa lũ ít, đặc biệt trong năm nay không có mưa lụt lớn nên nạn chuột xuất hiện rất nhiều. Cũng nhờ nắm bắt được thời tiết, chủ động ngay từ đầu vụ nên đã phần nào giảm bớt thiệt hại. Hiện chúng tôi đang nỗ lực duy trì các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ bà con bảo vệ ruộng lúa vượt qua thời điểm cây lúa đang bón đòng”- ông Trần Đình Tý nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Định, nạn chuột phát sinh gây hại trên diện rộng tại các vùng lúa của 5 huyện, 2 thị xã, gồm: Hoài Nhơn, An Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát. Hiện, các vựa lúa đang trong thời điểm đẻ nhánh, làm đòng nên các địa phương đang nỗ lực tập huấn, hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp để ngăn chặn chuột, giảm thiểu thiệt hại.

chuot-pha-1-822.jpg
Vùng ruộng lúa được cắm cờ để đuổi chuột
chuot-pha-3-3839.jpg
Lão nông Lê Minh Vui đang đặt bẫy chuột bảo vệ ruộng lúa

Kế hoạch diệt chuột được ngành trồng trọt Bình Định triển khai từ đầu vụ, và tổ chức 16 lớp tập huấn cho 560 nông dân trên địa bàn. Các địa phương được hỗ trợ 1.540kg thuốc racmin 0.75TP, gimlet 0,2GB… Các biện pháp ngăn chặn chuột được ngành chức năng đưa ra với 5 loại bẫy chuột và đánh bã bằng thuốc ở 1 số vị trí trọng điểm.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phân tích thêm, mùa lũ lâu nay gây hại lớn cho miền Trung, xem như là kẻ thù vì mức độ tàn phá và đe dọa đến tính mạng con người. Song nhìn ở khía cạnh khác tuy chưa định lượng được, nhưng lũ có công dọn dẹp, thau rửa và cuốn trôi chuột bọ, mầm sâu bệnh và mang phù sa cho các vựa sản xuất lúa. Ngoài ra, lũ cũng giúp phát tán nguồn tôm cá, thủy sinh mới cho các ruộng đồng…

Tin cùng chuyên mục