Bộ LĐTB-XH đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2024

Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, kể từ 1-7 tới đây, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 200.000 đến 280.000 đồng/tháng (tùy vùng).

Chỉ số giá cả thay đổi nên lương tối thiểu của người lao động cần phải tăng để theo kịp. Ảnh: VĂN PHÚC
Chỉ số giá cả thay đổi nên lương tối thiểu của người lao động cần phải tăng để theo kịp. Ảnh: VĂN PHÚC

Sáng nay 23-3, Văn phòng Bộ LĐTB-XH thông tin cho PV Báo SGGP, cơ quan này vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trong tờ trình này, Bộ LĐTB-XH cho biết, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định 4 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1-7-2022. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng được điều chỉnh tăng bình quân 6% so với năm 2020.

Mức lương tối thiểu này đã bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; góp phần mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến những nhóm lao động làm việc linh hoạt, bán thời gian mà trước đây chưa được bảo vệ; phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh vừa trải qua thời gian dài bị tác động bởi đại dịch; hỗ trợ tích cực việc phục hồi thị trường lao động, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB-XH, đến nay, đã có một số cơ sở đặt ra vấn đề xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể là giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI). Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4 - 4,5% thì mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).

Cùng với đó, ngày 12-1-2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo gửi Chính phủ khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, áp dụng từ 1-7-2024. Đồng thời, từ ngày 1-7, chính sách tiền lương sẽ được triển khai, cải cách tổng thể theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiền lương khu vực công sẽ tăng, nên cần có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để bảo đảm tương quan chung.

Bộ LĐTB-XH cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu là hợp lý. Do đó, trong dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động của Chính phủ, cơ quan này đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu mới tăng 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1-7-2024.

Theo đó, lương tối thiểu vẫn chia 4 vùng như cũ nhưng có mức tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Cụ thể như bảng dưới đây:

IMG_7609.jpeg
Bảng lương tối thiểu theo 4 vùng trong dự thảo nghị định của Chính phủ do Bộ LĐTB-XH xây dựng và đề xuất

“Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024)”, Bộ LĐTB-XH nhận xét.

Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Tin cùng chuyên mục