Phó Cục trưởng Tống Văn Lai trả lời câu hỏi của báo chí chiều 17-10 |
Theo ông Tống Văn Lai, qua 10 năm hoạt động, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã 9 lần khuyến nghị điều chỉnh lương tối thiểu và 1 lần khuyến nghị giữ nguyên mức cũ. Hầu hết các lần khuyến nghị, Chính phủ hoàn toàn đồng tình với phương án mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra.
Cuộc họp báo chiều 17-10 tại Hà Nội |
Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho biết, thông thường hàng năm, cuộc họp thương lượng về mức lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương quốc gia được chốt vào tháng 8.
Tuy nhiên năm nay, qua họp bàn và phân tích thực tế, trong bối cảnh 6 - 7 tháng đầu năm, có một số ngành nghề bị tác động của tình hình thế giới, xung đột địa chính trị, xuất khẩu trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ… bị giảm đơn hàng.
Bên cạnh đó, tình hình người lao động bị cắt giảm việc làm, bị giãn việc, thậm chí là mất việc diễn ra nhiều. Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận thấy “chưa chín” để xác định, khuyến nghị trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu năm 2024.
Báo chí đặt câu hỏi tại cuộc họp báo của Bộ LĐTB-XH |
“Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ cho phép cuối quý 4, dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp lại để bàn và chính thức khuyến nghị với Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng năm 2024”, ông Lai cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, chắc chắn không thể thực hiện tăng lương tối thiểu ngay từ đầu năm 2024. Bởi cuối năm, khi hội đồng khuyến nghị xong, Chính phủ mới xem xét và quyết định. Sau đó, cần có quá trình để luật hóa.