Bộ Y tế đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại kỳ họp thứ 7

Sáng 20-2, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác tới thăm, làm việc với Bộ Y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến thăm, làm việc với Bộ Y tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến thăm, làm việc với Bộ Y tế

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành và cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, ngành y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, có hiệu quả; đặc biệt đã chú trọng công tác xây dựng thể chế. Nhờ đó, nhiều tồn tại, bất cập đã từng bước được tháo gỡ, như cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh; tăng nguồn cung thuốc, thiết bị y tế và xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện của các cơ sở khám, chữa bệnh về vấn đề thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

hue-20-3393.jpeg
Chủ tịch Quốc hội trao đổi với cán bộ chủ chốt Bộ Y tế

Hiện nay Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh… Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã báo cáo cụ thể về tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành năm 2023 liên quan đến lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành y tế, chất lượng, hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh được nâng cao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ.

Năm 2024, Bộ Y tế đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế theo đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12; tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần; quan tâm, dành ngân sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn, đầu tư cho các trạm y tế xã, nhất là các trạm ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn...

lan-20-520.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu nhiều kiến nghị với đoàn công tác

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Y tế đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại kỳ họp thứ 7. Tại kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tại kỳ họp thứ 9, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng bệnh. Tại kỳ họp thứ 10, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Phòng bệnh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thiết bị y tế. Các dự án: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Dân số; Luật An toàn thực phẩm được Bộ Y tế đề xuất tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện.

“Bộ Y tế cũng đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng pháp luật từ khi xác định chính sách, đánh giá tác động chính sách đến xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục