Các ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM đều là những ca xâm nhập

Chiều 16-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn.

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Chủ trì tại điểm cầu UBND Thành phố: Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. 

 Báo cáo tại cuộc họp, GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, các ca nhiễm Covid-19 tại TP đều là những ca xâm nhập. Sau 3 ca đã chữa khỏi, TPHCM xuất hiện thêm 5 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 1 ca từ Anh về, 2 ca tiếp xúc bệnh nhân 34 tại Bình Thuận, 1 ca từ chuyến bay QR970 và 1 ca từ chuyến bay TK162.

Như vậy, cả 5 ca nhiễm mới này đều là các ca xâm nhập, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện ca nào lây nhiễm từ 5 ca này, đây là một điều rất đáng mừng. Ngành y tế TP đã tiến hành điều tra, xác minh bệnh nhân Covid-19 thứ 45 có 60 người tiếp xúc, kết quả xét nghiệm 56 trường hợp âm tính, 4 trường hợp đang chờ kết quả. Với bệnh nhân 48 có 197 người tiếp xúc, trong đó 69 trường hợp đã xác định âm tính.

Các ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM đều là những ca xâm nhập ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thành Phong (bìa trái) chủ trì điểm cầu tại UBND TP. Ảnh: TTBC 

Bệnh nhân 53 có 131 người tiếp xúc, có 90 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, với ca bệnh số 54 nhập cảnh từ chuyến bay TK162, sau đó tiếp tục đi Phú Quốc và trở về TPHCM, đã xác định, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm của 27 người tiếp xúc, 20 người đã có kết quả âm tính, 4 người chờ kết quả và 3 trường hợp đang đi Cần Thơ nên chưa lấy được mẫu xét nghiệm.

“Qua các trường hợp nhiễm Covid-19 vừa qua, TP đã phối hợp xử lý, cách ly rất kịp thời, đối phó với các mô hình cách ly khác nhau, từ chung cư (quận 10) đến khách sạn (quận 1), cơ sở lưu trú (quận 1, quận 4)… Hiện nay, tại chung cư quận 10, nơi ở của bệnh nhân 48 còn đang cách ly tại chỗ 8 căn hộ liền kề với căn hộ của bệnh nhân” - GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay, số khách Việt Nam về từ các nước châu Âu và Mỹ rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế cửa khẩu rất vất vả, Sở Y tế đang đề nghị để tránh ùn tắc cửa khẩu, TP cho phép lấy tờ khai y tế và mẫu xét nghiệm của những khách này tại địa điểm cách ly.

Trong giai đoạn mới, với nguy cơ lây nhiễm rất cao từ châu Âu, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tại các cửa khẩu, yêu cầu khai báo y tế đối với cả khách quốc tế và khách nội địa, đồng thời đặc biệt chú ý các chuyến bay nối chuyến đi qua vùng dịch.

Bên cạnh đó, vận động các gia đình có người thân trở về từ các quốc gia khác tự cách ly tại gia đình, hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Thành phố đã sẵn sàng 3.000 bộ xét nghiệm, trong tháng 3 có thêm 10.000 bộ, tháng 4 có thêm 20.000 bộ và trong tháng 5, 6 sẽ chuẩn bị 20.000 bộ xét nghiệm nữa để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh lan nhanh.

Đặc biệt, không để lây nhiễm bệnh sang nhân viên y tế. Sở Y tế cũng đề nghị TP yêu cầu các quận huyện, phường xã quản lý, hạn chế tối đa các cuộc họp tập trung đông người trên địa bàn, báo cáo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP để có hướng xử lý.

Sở Y tế cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh, Quân khu 7 để mở rộng các khu cách ly trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Các hành khách nước ngoài từ Châu Âu, từ Anh, đặc biệt là công dân Việt Nam từ châu Âu, từ Hàn Quốc về rất đông, như ngày đầu tiên áp dụng có hàng ngàn người.
Các ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM đều là những ca xâm nhập ảnh 2 Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí TP. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chúng ta phải lấy mẫu của tất cả những hành khách này, số lượng rất lớn, hơn 1.000 trường hợp, chính vì vậy ùn tắc tạm thời ở các cửa khẩu. Vì thế TP đã xin phép Bộ Y tế cho những trường hợp này lấy mẫu cũng như tờ khai y tế tại cơ sở cách ly ở Quân khu 7. Trong sân bay không có thì giành một vị trí ở Quân khu 7 với 500 giường để cách ly, sau đó mới phân phối đến các cơ sở cách ly phù hợp. Mới đây, Sở Y tế đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm của công dân Hoa Kỳ tại sân bay Tân Sơn Nhất để thuận lợi cho hành khách, còn nếu quá tải thì các trường hợp này sẽ được lấy mẫu ở Trung tâm y tế quận Tân Bình, sau đó những hành khách này sẽ được đưa về cơ sở lưu trú để giám sát. "Về các phương tiện, TP đã có thiết lập bệnh viện dã chiến với quy mô 1.600 gường, hiện nay bệnh viện dã chiến ở Cũ Chi đã được vận hành và điều trị 4 bệnh nhân. Sáng nay, Sở Y tế đã thiết lập 10 phòng áp lực âm ở bệnh viện dã chiến. TP có 600 gường để điều trị bệnh Covid-19. Song song đó, Bệnh viện Ung Bướu hoàn thành trong tháng 6 để điều trị nếu dịch bệnh gia tăng vào tháng 5-6" - GS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mặc dù là địa phương đầu tiên tiếp nhận 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở nước ngoài về, nhưng nhờ sự quyết tâm, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch từ sau Tết Nguyên đán đến nay TP không để lây lan. Tuy nhiên, TP cũng cần phải nhìn rộng ra xung quanh để thấy thế giới đang đối mặt với thách thức gì, tại sao có nước ngăn chặn tốt nhưng cũng có nước rất khó khăn, từ đó rút ra bài học cho TPHCM.

Dẫn chứng ví dụ cụ thể, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua thống kê ở các nước như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha là những nước châu Âu có nền khoa học rất phát triển, nhưng khi dịch bệnh xuất hiện họ không coi đeo khẩu trang là yêu cầu và họ cũng không triển khai tìm người nguy cơ lây bệnh để cách ly nên tốc độ lây lan rất lớn. Tại các nước châu Âu, chỉ mất 7-8 ngày số người nhiễm từ 100 đã lên 1.000 người, 3-4 ngày sau thì tăng lên 2.000 người, 3-4 ngày tiếp đó thì tăng lên 4.000 người. Đặc biệt tại Ý, từ 8.000 người lên 16.000 người nhiễm bệnh chỉ trong khoảng ba ngày rưỡi. Ngược lại có hai nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Nhật Bản từ 100 lên gần 1.000 người nhiễm phải mất 30 ngày. Còn với Hàn Quốc, lúc đầu từ 100 lên 4.000 người nhiễm mất 11 ngày (trong khi Đức, Pháp và Ý là 13 ngày), tức là tình hình lây lan còn nhanh hơn ba nước châu Âu, nhưng sau khi có nhiều biện pháp cách ly quyết liệt, từ 4.000 lên khoảng 8.000 cũng chỉ khoảng 12 ngày, trong khi ở Ý với con số tăng tương đương chỉ mất 3,5 ngày.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, TP cần nhìn nhận công tác chống dịch các quốc gia làm bài học cho riêng mình. Bài học đầu tiên nếu không hạn chế bằng việc đeo khẩu trang, phát hiện sớm cách ly ngay từ lúc mới tiếp xúc thì chúng ta mất 2 tuần sẽ có 4.000 người nhiễm và hai tuần sau sẽ lên khoảng 12.000 người nhiễm. Nhưng nếu làm tốt đeo khẩu trang, phát hiện ngay từ sớm thì sẽ hạn chế được sự lay lan. Bài học thứ hai là cần có sự chia sẻ, bởi bệnh dịch này là không bình thường. Không phải chỉ những người bị bệnh mới chịu hậu quả, mà cuối cùng mỗi người chúng ta đều lãnh hậu quả. Do đó tinh thần là phải chia sẻ, mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp hãy đòi hỏi tiêu thụ ít đi, hãy chấp nhận thu nhập ít đi để giúp cho những người khác, những doanh nghiệp khác mất hoàn thu nhập có thể tồn tại được, sau đó cùng nhau phát triển. Dịch bệnh có thể kéo dài, do đó chúng ta phải điều chỉnh nếp sống, cách sinh hoạt và cách làm việc để duy trì duy trì tổng thể năng suất xã hội không quá thấp. Bài học thứ ba, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, chống virus là phải theo quy luật sinh học, không duy ý chí nhưng không phải hoảng sợ. Hạn chế dịch bệnh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay... Mỗi người dân vừa làm công tác truyền thông, mỗi người dân là người giám sát, mỗi người dân, gia đình và doanh nghiệp cùng chung tay chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, để kiểm soát tốt dịch bệnh cần tăng cường chủ động dự báo, phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TPHCM. Khi có ca nhiễm lập tức truy tìm những người tiếp xúc để cách ly. Nếu làm tốt sẽ loại trừ được khả năng bị nhiễm bệnh. Phải đeo khẩu trang ở những nơi đông người. TPHCM khẳng định có đủ khẩu trang, hiện đang hợp đồng với 16 công ty sản xuất khẩu trang. Nếu học sinh đi học trở lại, TP sẽ cung cấp 50 triệu khẩu trang cho học sinh. Người dân ở địa phương có nhu cầu mua thì UBND phường phải chỉ địa điểm cung cấp khẩu trang. Bên cạnh đó, cần hạn chế tụ tập đông người, sắp tới đại hội Đảng bộ phường cũng hạn chế không quá 100 người.

“TPHCM cũng sẽ đảm bảo năng lực cách ly và chữa bệnh. Đến cuối tháng 2 năng lực cách ly tập trung của TP là 2.000 người, cuối tháng 3 là 3.000 người, cuối tháng 4 là 4.000 người và sau tháng 5 nếu cần thiết là 24.000 người. Còn về năng lực giường bệnh khoảng 1.600 giường, tương ướng với 16.000 người bị nhiễm. Về bác sĩ sẽ có 1.000 dến 1.400 bác sĩ để phòng chống dịch. Máy thở, đặt khoảng 1.200 máy sẵn sàng ứng phó với bệnh Covid-19 tăng cao. TPHCM phấn đấu số người bị nhiễm không vượt quá 100. TP không thiếu kinh phí để phòng chống dịch. Chúng ta sẽ giữ vững được TP là nơi an toàn, là nơi vẫn duy trì được điều kiện cơ bản của cuộc sống” – Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Nhận định về tình hình Covid-19 hiện nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP cho rằng, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, công tác chống dịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện cần nghiêm túc khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 26 và Công văn 904 của UBND TP về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sở Y tế cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với từng đối tượng, chú trọng cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng dịch bùng phát trên diện rộng. Về các khu cách ly tập trung, theo Chủ tịch UBND TP cần thực hiện sẵn sàng có 25.000 chỗ cách ly, sàng lọc và chia khu đối với từng cấp độ lây nhiễm để tránh lây chéo trong quá trình cách ly.

Dự kiến sắp tới sử dụng khu cách ly mới tại quân khu để tiếp nhận người cách ly tại các tỉnh miền Đông Nam bộ nên phải chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng. “Các cơ quan đơn vị rà soát thực hiện nghiêm các đối tượng cách ly y tế bắt buộc tại Việt Nam, đo thân nhiệt và phân luồng người nhập cảnh khi vào sân bay. Công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước cần đưa về khu cách ly theo quy định.  Người có nguy cơ, dấu hiệu đề nghị cách ly tận nhà, ngành y tế cử người đến hướng dẫn. Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các khu cách ly thường xuyên cập nhật danh sách người nước ngoài được cách ly khi có thay đổi, có thông tin liên quan người nước ngoài cần thông tin kịp thời cho Sở Ngoại vụ để kịp thời thông báo Tổng lãnh sự các nước, các đơn vị xử lý thông tin. Lãnh đạo UBND quận, huyện, cấp ủy phường xã thị trấn thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế về chống dịch tại cộng đồng, rà soát kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở, lập tổ công tác dân quân, y tế, bám sát tình hình trên địa bàn, phân nhóm người dân theo tình trạng sức khỏe, khai báo sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế”- Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong yêu cầu.


Tin cùng chuyên mục