Dịch Covid-19 đang là nguyên nhân chủ yếu gây ra khủng hoảng kinh tế. Sự khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo những vấn đề xã hội phát sinh mà ta có thể kể đến như nghèo đói hay tình trạng tội phạm sẽ gia tăng. Việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa khủng hoảng kinh tế và các vấn đề xã hội để từ đó có những chính sách, phương án đối phó với những vấn đề xã hội hậu dịch bệnh là điều cần phải được suy nghĩ ngay từ lúc này, tức là chúng ta không chỉ chống dịch Covid-19 mà còn cần phải suy nghĩ đến những kịch bản hậu dịch bệnh nữa.
Quả vậy, dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực trong hoạt động kinh tế ở cấp độ thế giới. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, làm cho nghèo đói tăng và dẫn đến sự gia tăng tội phạm trong xã hội. Trong đó, những hành vi tội phạm gia tăng chủ yếu là việc sở hữu vũ khí trái phép, buôn lậu, tống tiền, ăn xin, trộm cắp…
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 27-3 vừa qua, Thủ tướng đã lưu ý rằng, một khi đời sống khó khăn sẽ dẫn đến những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Lưu ý này không hề thừa và vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ người dân trong và sau dịch; bởi nếu không có những chính sách này thì dù chúng ta có tăng cường lực lượng an ninh thì cũng khó có thể giữ vững được tình hình an ninh trật tự trong và sau dịch bệnh.
Do đó, chúng tôi cho rằng, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương dù đang triển khai nhưng cần phải nhanh chóng hơn nữa để thực hiện một cách hiệu quả chính sách hỗ trợ thất nghiệp cho những người bị mất việc làm do dịch bệnh, chính sách hỗ trợ như giảm, giãn thuế cho các hộ kinh doanh. Việc thực hiện hiệu quả hoàn toàn nằm trong khả năng của Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương và nên tiến hành nhanh chóng với thủ tục dễ dàng.
TPHCM cần thực hiện gói hỗ trợ một cách căn cơ, có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, có chiều sâu đến được với những người lao động tự do bị mất việc, mất sinh kế do dịch bệnh, vì những người này ở vào tình trạng bấp bênh hơn những người lao động ăn lương khác, do họ không thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ thất nghiệp; và cũng nên lưu ý là những người lao động tự do chiếm một số lượng không hề nhỏ trong lực lượng lao động của đất nước. Nếu chiếc lưới an sinh xã hội hỗ trợ thiếu chu đáo cho lực lượng này thì những hệ quả xã hội sẽ không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động bị mất việc vẫn phải ở trọ tại địa phương mà mình làm việc chứ không thể về quê, do đó cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, phòng trọ cho họ thông qua việc vận động giảm tiền thuê trọ, có thể khuyến khích bằng cách giảm tiền thuế của những người chủ cho thuê nhà trọ.
Đó là những chính sách “tức thời”, có nghĩa là cần áp dụng sớm trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng đồng thời, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương cũng nên chuẩn bị sẵn các giải pháp “mồi” nhằm khởi động lại nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc. Cần chuẩn bị sớm từ bây giờ để ngay khi dịch bệnh kết thúc, guồng máy xã hội sẽ nhanh chóng vận hành với tốc độ nhanh, sớm khôi phục lại những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.