Báo cáo về tình hình tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong tháng 3-2022 vừa được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi sáng 21-4.
Lo mưa lũ bất thường
Theo báo cáo, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình hình mưa lũ trái mùa bất thường kéo dài xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua khiến hàng chục nghìn hecta đất trồng lúa, hoa màu bị ngập úng, nhiều tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp… Những diễn biến thời tiết cực đoan này đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản.
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân…
Đồng thời, cử tri và nhân dân cũng phản ánh về tình trạng một số hộ dân đã có hành vi xây nhà, trồng cây dày đặc trên khu vực đất đang được triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tình trạng chặt phá rừng, san ủi với quy mô lớn nhằm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực các tỉnh Tây Nguyên, cũng được cử tri và người dân đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh.
Bộ Y tế chưa trả lời 121 kiến nghị cử tri
“Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau kỳ họp thứ 2, kỳ họp bất thường lần thứ nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thông tin.
Ban Dân nguyện nhận thấy hầu hết các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến. Đến nay đã có 2.726 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, tuy nhiên vẫn còn 122 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời. Trong đó, Bộ Y tế còn 121 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ còn 1 kiến nghị. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 11 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn “nóng”
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tăng hơn so với cùng kỳ, đúng như nhận định của UBTVQH trong phiên họp trước. Đáng nói là trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã xuất hiện trở lại một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương để khiếu nại, tố cáo.
“Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước, đã nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, tuy hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; song công tác thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân chưa thực hiện được thường xuyên, chưa có nhiều đổi mới mà chủ yếu vẫn thực hiện thông qua các đợt tiếp xúc định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.
Người đứng đầu Ban Dân nguyện đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” kịp thời gửi về Thường trực Đoàn giám sát, để tổng hợp trình UBTVQH theo đúng kế hoạch.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm minh các trường hợp trục lợi thông qua việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, nhất là các địa phương đang triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; có giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động để hạn chế tình trạng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần; giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… cũng nằm trong danh mục những vấn đề cần quyết liệt quan tâm giải quyết, theo lãnh đạo Ban Dân nguyện.