Chậm trễ, 3 dự án bệnh viện của Bộ Y tế đối mặt nguy cơ cắt vốn

Sáng 24-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với 3 Bộ: VH-TT-DL, GD-ĐT và Y tế về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2018. Đây là 3 Bộ có tiến độ giải ngân rất chậm, “chậm nhất toàn quốc”, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân 5.260 tỷ đồng, Bộ VH-TT-DL là 337 tỷ đồng, Bộ GD-ĐT là hơn 1.300 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4-2018, tỷ lệ giải ngân của Bộ Y tế là 1,36%, Bộ VH-TT-DL là 6,28%, Bộ GD-ĐT 17%. Còn vốn nước ngoài thì cả 3 bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ví dụ, các dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (ở Hà Nam) đã dừng thi công 18 tháng nay.
“Đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, mặc dù rất bức thiết, bệnh viện thì quá tải, người bệnh thì khổ sở, Nhà nước tập trung toàn lực vào đây, không thiếu tiền, nhưng dự án này giải ngân rất chậm, không có công nhân làm việc”, Phó Thủ tướng nói.
Chậm trễ, 3 dự án bệnh viện của Bộ Y tế đối mặt nguy cơ cắt vốn ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ nêu rõ nguyên nhân trong tổ chức thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ hay của bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách lĩnh vực…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tới ngày 10-5, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân được 76,66%, đang gặp vướng mắc ở quy định về thiết kế phải có dự toán, sau khi có thiết kế và dự toán thì mới được phê duyệt giải ngân qua kho bạc. Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân đạt 56%.

“Tới nay tiến độ đầu tư xây dựng đã chậm 18 tháng và Bộ Y tế đã xin Thủ tướng kéo dài dự án tới hết năm 2019 sẽ hoàn thành thanh quyết toán. Quý 3 này sẽ đấu thầu trang thiết bị”, ông Tuấn nói.

Kho bạc Nhà nước cho biết dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 thì giải ngân được 1.066 tỷ đồng và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân được 1.095 tỷ đồng (thấp hơn nhiều số liệu của Bộ Y tế). Trong năm 2018, Kho bạc Nhà nước cũng đã thu hồi 1.000 tỷ đồng vốn tạm ứng trước đó cho 2 dự án bệnh viện này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết thêm, nguồn vốn 3.200 tỷ đồng đã giao cho 2 dự án bệnh viện. Đất đai cho 2 dự án này cũng là đất “sạch”. Việc triển khai dự án là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Ngoài 2 dự án bệnh viện trên, Bộ Y tế còn 8 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong đó có 3 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, với 3 dự án sử dụng ODA nói trên chưa phê duyệt chủ trương đầu tư thì Bộ sẽ cố gắng trong năm nay phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi thống nhất xong với Bộ KH-ĐT.

“Bộ trưởng của chúng tôi đã rất quyết liệt chỉ đạo, liên tục, thường xuyên. Còn về trách nhiệm trong chậm trễ giải ngân, Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm với Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, nếu tới ngày 31-10 mà Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư cho 3 dự án trên thì Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn kế hoạch để thực hiện 3 dự án này để điều chuyển sang các dự án khác.

Chậm trễ, 3 dự án bệnh viện của Bộ Y tế đối mặt nguy cơ cắt vốn ảnh 2 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP
Bộ GD-ĐT có 3 dự án dùng vốn ODA thì dự án nâng cấp Đại học Cần Thơ có khả năng không khởi công được trong năm 2018; dự án hỗ trợ đổi mới phổ thông mới bắt đầu tư vấn lựa chọn nhà thầu; dự án nâng cao năng lực đào tạo khám chữa bệnh tại Đại học Y dược - Đại học Huế vướng vì thủ tục kéo dài từ phía nhà tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ này là dự án chậm giải ngân thì cắt vốn chứ không thực hiện kéo dài dự án nữa như quy định của Luật Đầu tư công. 

“Kéo dài không chỉ dẫn đến tăng chuyển nguồn mà còn dẫn đến thay đổi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, nghĩa là kỷ luật điều hành ngân sách có vấn đề”, ông Hải nói.

Đồng tình với kiến nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu hủy dự toán trong kế hoạch trung hạn và thu hồi vốn giao với 3 dự án Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K nếu tới ngày 31-10 Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư.

“Có tình trạng lúc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn thì các bộ, ngành xin cho bằng được dự án của mình, nhưng lúc làm thì lại không chịu làm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng 3 Bộ tổ chức kiểm điểm, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan thuộc về các bộ, xác định trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu ở các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan khi để giao vốn và giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư công, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển y tế, giáo dục, văn hoá.

Đối với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu 5 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phê duyệt kế hoạch đầu tư thì phải sớm hoàn thiện đấu thầu chọn nhà thầu để triển khai ngay trong Quý 2, không được chậm hơn.

Tin cùng chuyên mục