Chạm vào sách, chạm vào tình yêu

Ngày cuối cùng của Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 đúng vào ngày Lễ tình nhân Valentine (14-2). Đây cũng chính là một trong lý do để Ban Tổ chức thực hiện talkshow với chủ đề “Chạm”, để các khách mời cùng chia sẻ xoay quanh chuyện tình yêu và hành trình đọc sách.

Đảm nhận phần văn nghệ đầu chương trình, hai diễn viên Mai Thanh Tú và Don Nguyễn đã cùng nhau mang đến những ca khúc sôi động, tràn ngập không khí xuân. Khi được hỏi về việc đọc sách, diễn viên Mai Thanh Tú chia sẻ, sách với anh là một người bạn. “Ngoài ra, với công việc của một diễn viên, cả Tú và Don đều tìm đến các tác phẩm văn học, trong đó có truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, như một cách tìm vốn sống và cảm xúc cho các vai diễn”, Mai Thanh Tú nói thêm.

img-1276-5683.jpg
Ca sĩ, diễn viên Don Nguyễn mở màn talkshow "Chạm" với những ca khúc sôi động, tràn ngập không khí xuân. Ảnh: QUỲNH YÊN

Tham gia vào talkshow với chủ đề “Chạm” là hai khách mời: chị Đông Bùi, Founder Content Share Vietnam và chị Misa Vũ, Owner Misa Vu Luxury Event. Cả hai cùng có những định nghĩa thú vị về chủ đề mà chương trình đề cập, đặt trong bối cảnh cuộc sống ngày càng hiện đại, hối hả, mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội cũng như nhiều sự lựa chọn, nhưng lại khiến chúng ta quên mất cách “chạm” vào chính bản thân mình lẫn những người thân yêu bên cạnh.

Với chị Đông Bùi, “chạm” là những phút giây ngồi bên nhau, thực sự nghe nhau, chia sẻ những công việc trong một ngày. Còn với chị Misa Vũ, “chạm” trong tình yêu và trong mối quan hệ gia đình là sự lắng nghe và thấu hiểu với nhau. “Có thể, trong những lúc mệt mỏi mà cuộc sống mang lại, thì hai người ngồi lại với nhau, lắng nghe, chia sẻ về những gì mà mình đang diễn ra trong cuộc sống này và mình cùng nhau vượt qua những chuyện đó. Đó chính lúc chúng ta cùng “chạm” vào nhau”, chị Misa Vũ bày tỏ.

img-1287-7431.jpg
Hai khách mời tại chương trình. Từ phải qua: chị Misa Vũ và chị Đông Bùi. Ảnh: QUỲNH YÊN

Không hẹn mà gặp, cả hai khách mời có chung nhận định khi cho rằng, đọc sách chính là phương thức giúp chúng ta lắng lại, có thể chạm sâu vào tâm hồn chính mình, để từ đó có thể thấu hiểu những người thân yêu bên cạnh.

Theo chia sẻ của chị Đông Bùi, sách đối với chị là sợi dây kết nối giữa mình và tâm hồn của mình. Bởi khi mình ngồi xuống, có thể mỗi ngày chỉ 15-30 phút thôi, lúc đó cầm cuốn sách lên là lúc chúng ta được phiêu với nội dung của cuốn sách. Đó là phút giây mà chị được chạm vào tâm hồn của mình.

img-1250-8399.jpg
Bạn đọc mua sách tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: QUỲNH YÊN

“Trước khi đi ngủ, tôi thường dành ra 15 phút để ôm con, trò chuyện với con hoặc đơn thuần là hai mẹ con đọc sách cho nhau nghe. Chính khoảng thời gian cùng yên lặng để đọc sách cũng là cách để kết nối, để mình có thể chạm vào được tâm hồn, những cái sâu bên trong của những người thân trong gia đình mình”, chị Đông Bùi chia sẻ.

Talkshow “Chạm” cũng là chương trình kết thúc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”, kéo dài từ ngày 7-2 (tức 28 tháng Chạp) đến ngày 15-2 (Mùng 5 Tết). Theo tiết lộ của Ban Tổ chức, năm nay, hội sách thu hút 30 đơn vị tham gia (tăng 10 đơn vị so với năm 2023). Trong thời gian diễn ra hội sách đã tổ chức 60 chương trình. Trong đó, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo bạn đọc và người dân là chương trình “Lì xì sách Tết”.

img-1299-8996.jpg
Robot tri thức là điểm nhấn về hình ảnh tại Lễ hội Đường sách Tết năm nay. Ảnh: QUỲNH YÊN

Hơn 16.000 ấn phẩm đã được Ban Tổ chức Lễ hội Đường sách Tết trao tặng đến bạn đọc và du khách đến tham quan lễ hội ngay dịp Mùng 1 Tết. Sau 8 ngày tổ chức, Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 đã đón khoảng 972.000 lượt người tham quan, mua sách (trung bình đạt 121.500 lượt người/ngày), doanh thu đạt hơn 9,7 tỷ đồng. Có hơn 3.000 tựa tương đương 57.200 quyển sách được bán ra tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm nay.

img-1204-4198.jpg
Lễ hội Đường sách Tết trở lại với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn - biểu tượng văn hóa truyền thống và lịch sử của Việt Nam. Ảnh: QUỲNH YÊN

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, lễ hội năm nay có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư của thành phố. Nhờ đó đã đạt được những kết quả ngoài dự đoán. Đó là tín hiệu cho thấy nhu cầu “tinh thần” của người dân ngày càng cao, khắt khe hơn với những hoạt động, chương trình được tổ chức tại thành phố.

Tin cùng chuyên mục