
Theo chương trình tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận 8 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế); Dự án Luật Báo chí (thay thế); đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua gần 7 tháng của năm 2025. Công tác xây dựng pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành tích cực thực hiện và đạt hiệu quả cao. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Nhiều văn bản pháp luật đã được thông qua, kịp thời phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và các cơ quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, nếu có những vướng mắc, bất cập phát sinh sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, yêu cầu. Sau khi các luật được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành cũng khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để pháp luật kịp thời đi vào cuộc sống.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, trong năm 2025, Chính phủ cố gắng rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, thúc đẩy kiến tạo, phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác xây dựng pháp luật. Cần khẩn trương giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn và kiến tạo cho phát triển.