Chủ động bố trí nguồn lực phát triển đô thị

“Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý phát triển đô thị”, đó là nội dung được nhấn mạnh tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023, do Bộ Xây dựng phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8-11, tại Hà Nội.

60/63 tỉnh, thành có chương trình hành động

Thông tin từ diễn đàn cho biết, hiện đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt Nghị quyết 06); 3 địa phương đã dự thảo và trình cấp có thẩm quyền. Đồng thời, 49/63 địa phương đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, các địa phương còn lại đang lập hoặc chờ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, cả nước đã có trên 150 đô thị lập chương trình phát triển, tạo cơ sở thu hút đầu tư và tăng cường kiểm soát các dự án phát triển đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 06 vẫn còn một số hạn chế. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, chất lượng đô thị hóa hiện nay chưa cao, đô thị vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023

Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị cũng chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Chú trọng đặc thù địa phương

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong thời gian tới, đô thị phải đảm nhận được vai trò là một không gian sống tích cực, nơi tạo ra cơ hội phát triển con người, nơi đổi mới sáng tạo và đóng góp cho việc giải quyết các thách thức chung của quốc gia, quốc tế. Vì vậy, chính quyền địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực cho phát triển đô thị; phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa.

Để làm được điều này, vấn đề nhân lực rất quan trọng, cán bộ quản lý phát triển đô thị địa phương cần có trình độ chuyên môn, năng lực hợp tác và phối hợp quản lý phát triển đô thị, có thể thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Trước hết, các cơ quan trung ương và địa phương cần sớm tổng kết việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế chính sách đặc thù đối với một số địa phương, làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ trung ương đến địa phương cần được tiếp tục hoàn thiện, cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị cũng phải sớm được ban hành.

Ông Nguyễn Đức Hiển cũng nhấn mạnh tính đặc thù của các địa phương trong phát triển đô thị. Theo đó, các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao. Các đô thị nhỏ cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội. Tại diễn đàn, việc hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản cũng được đặt ra như một trong những giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh phát triển đô thị.

Trong đó, cơ quan quản lý cần thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí; đồng thời cần thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các tỉnh, thành và các đô thị đáp ứng điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị…

Tin cùng chuyên mục