Chuyển mình để thích ứng thị trường

Thị trường sản xuất các nội dung giải trí ở mảng gameshow, truyền hình thực tế và phim truyền hình, sitcom thời gian qua chứng kiến nhiều biến động, do chịu tác động của dịch Covid-19. Trong xu thế kỹ thuật số, để tồn tại buộc các đơn vị sản xuất phải thay đổi và thích ứng linh hoạt.    
Nhỏ to chốn văn phòng đánh dấu sự trở lại của BHD với dòng phim sitcom
Nhỏ to chốn văn phòng đánh dấu sự trở lại của BHD với dòng phim sitcom

Làm mới mình

“BHD trước đây sản xuất các nội dung giải trí từ gameshow, truyền hình thực tế cho đến phim sitcom và cả điện ảnh. Ở thời điểm này, BHD đầu tư nhiều hơn cho sitcom và drama series, chủ yếu phát trên các nền tảng trực tuyến”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, chia sẻ. Trong đó, dự án sitcom Nhỏ to chốn văn phòng dự kiến được phát sóng đồng thời trên 3 hạ tầng: Netflix, DANET và K+.  

Lý giải về việc chuyển hướng sang sản xuất các nội dung trực tuyến nhiều hơn, theo bà Bích Hạnh, trước đây khi làm truyền hình truyền thống, khán giả nói thích nhưng không có thước đo chi tiết, bởi việc căn cứ vào rating (lượt theo dõi) chỉ mang tính đại diện. Trong khi đó, làm nội dung phát trực tuyến sẽ đo được đối tượng khán giả cụ thể và rõ ràng. 

"Việc tự sáng tạo nội dung có nhiều điểm hứng thú, vì nó gần gũi với đời sống, có thể cập nhật liên tục các câu chuyện thời sự, xã hội. BHD vẫn mua format nước ngoài về sản xuất nhưng hạn chế ở mức tối đa"

Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD 

Mới đây, nhà sản xuất Đông Tây Promotion mở rộng sang lĩnh vực làm phim khi vừa cho ra mắt web drama Tâm Lof - Lỡ va vào nhau mùa 1 với 12 tập phát sóng. Trong khi đó, vẫn giữ vững tiêu chí thuần Việt, KMedia vừa cho ra mắt Trăm năm ánh Việt - chương trình thực tế đầu tiên về đào tạo, tuyển chọn tài năng trẻ ở lĩnh vực cải lương.  

Việc hiểu và vận động theo thị trường xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan của hầu hết các đơn vị sản xuất nội dung, nhất là những đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này. Nhưng sự thay đổi diễn ra nhanh và mạnh hơn, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cho rằng: “Với những công ty đã có thâm niên trong nghề, bắt buộc phải có điều chỉnh kịp thời. Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, việc sản xuất chí ít cũng hòa vốn, hoặc có lời chút đỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều chương trình, kể cả sản xuất cho các đài truyền hình lớn vẫn có nguy cơ thua lỗ, lãi không đủ bù. Thị trường đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố và không phải chương trình chất lượng sẽ ăn khách”. Để đa dạng nội dung và cân đối bài toán kinh doanh, bà Liên cho biết, Mega GS đang đồng thời phát triển kinh doanh trên nền tảng số, hạn chế sản xuất gameshow, tập trung nhiều hơn cho phim truyền hình, phim điện ảnh và sắp tới còn làm phim cho các nền tảng trực tuyến.  

Còn theo bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm, xu hướng digital (kỹ thuật số) trong lĩnh vực truyền thông đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến thuận lợi và cả khó khăn cho các đơn vị truyền thông. Vietcomfilm đã sớm thành lập một bộ phận để nghiên cứu tìm ra sự thay đổi cho chiến lược hoạt động của mình. “Tuy nhiên, đây là một việc không dễ dàng và cần nhiều thời gian, công sức để xác định hướng đi mới”, bà Bảo Trâm cho biết.  

Chuyển mình để thích ứng thị trường ảnh 1 Trăm năm ánh Việt - chương trình tôn vinh nghệ thuật cải lương vừa ra mắt của KMedia 2

Chuyển hướng thế nào?

 Ở bề nổi, có một sự thay đổi dễ nhận thấy nhất hiện nay là các đơn vị đều khai thác tối đa trên các nền tảng số dựa trên tài nguyên sẵn có. Đơn vị sản xuất nào cũng phát triển đồng loạt nhiều kênh YouTube, Fanpage… với khối lượng lớn nội dung được đăng tải. Ngoài tập phát sóng trên truyền hình, các nền tảng này tập trung khai thác các câu chuyện hậu trường để kích thích người xem. Thậm chí, vì thời lượng trên truyền hình có hạn, nhiều đơn vị “lách luật” bằng cách phát bản chi tiết, đầy đủ để thu hút khán giả trên YouTube. 

“Việc phát triển song song nội dung trên truyền hình và mạng xã hội là cách tối ưu hóa doanh thu, khai thác triệt để nguồn tư liệu có sẵn”, NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Kmedia nhấn mạnh. Bà Bích Liên cho biết, trên các kênh mạng xã hội của mình, vừa sản xuất các nội dung mới đồng thời liên tục cập nhật các tư liệu cũ có sẵn để lôi kéo khán giả. Ngoài ra, đơn vị này cũng chia sẻ nội dung với các đơn vị khai thác khác và sẻ chia doanh thu khi có lời. Không tiết lộ con số doanh thu chính xác mỗi tháng nhưng bà Bích Liên cho biết, nó giúp san sẻ việc “trả lương cho nhân viên hàng tháng”. 

Miếng bánh thị phần sản xuất nội dung hiện nay ngày càng chia nhỏ do mỗi năm lại có thêm các đơn vị mới tham gia thị trường. Ngoài ra, cũng có không ít đơn vị phải rút lui, nhiều chương trình biến mất, nhường sân cho các chương trình mới. Chia sẻ về những thay đổi trong chiến lược phát triển, sản xuất các chương trình, theo bà Bảo Trâm: “Chúng tôi tập trung việc chuyển đổi theo hướng cố gắng nâng cao chất lượng cho từng chương trình dựa trên thế mạnh của mình, không sản xuất chạy theo việc nâng số lượng dàn trải dễ dẫn đến việc không kiểm soát được chất lượng”. 

Khi quảng cáo sụt giảm kéo theo chi phí sản xuất giảm nhưng vẫn phải đảm bảo, thậm chí phải nâng chất, đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị sản xuất. Điều này tạo nên cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các đơn vị. “Theo tôi, thời điểm hiện nay, việc cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất không phải là sự cạnh tranh trực diện với nhau như trước. Các đơn vị đều đang cạnh tranh với chính bản thân mình thì đúng hơn. Tìm cách chuyển đổi, nỗ lực đầu tư tìm ra hướng đi trong bối cảnh mới là điều sống còn để phát triển doanh nghiệp”, bà Bảo Trâm cho biết.

Tin cùng chuyên mục