Cứ 1 triệu dân mới có 24 cán bộ bảo vệ môi trường, chưa bằng một phần mười Singapore ​

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) của nước ta ở mức 24 người/1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này của các nước trên thế giới cao hơn nhiều. Cụ thể: Thái Lan là 42 người, Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 330 người, Trung Quốc là 40 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người.
Váng dầu phía trong phao quây trong sự cố tràn dầu tại Cần Giờ, TPHCM hồi tháng 10-2019
Váng dầu phía trong phao quây trong sự cố tràn dầu tại Cần Giờ, TPHCM hồi tháng 10-2019

Đây là số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, để chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ hội thứ 9 tới đây.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi các lĩnh vực Môi trường - Địa chính được thu về một đầu mối quản lý, trong khi khối lượng công việc tăng lên nhưng biên chế được bố trí không tương xứng. Đặc biệt, ở cấp xã, mỗi xã chỉ bố trí từ 1 đến 2 cán bộ làm công tác tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường nhưng lại còn kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác về xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và nông thôn mới trên địa bàn, không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhân lực đã vậy, tài lực cũng hạn hẹp. Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp môi trường là 20.442 tỷ đồng (tăng 5.342 tỷ đồng so với năm 2018), chưa kể nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế… thực tế đã giúp công tác BVMT ở Việt Nam tiếp tục có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc bố trí cho hoạt động đầu tư phát triển BVMT còn chưa được tách thành một nguồn riêng như chi sự nghiệp môi trường, chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Không đủ kinh phí để hỗ trợ các địa phương, nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, lại chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT…”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

Trong số các vấn đề môi trường đáng quan ngại, Bộ chủ quản đề cập đến chất lượng môi trường không khí diễn biến phức tạp, và đang xấu dần đi ở các đô thị lớn, khu vực đông dân cư; rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý, quản lý hiệu quả; ô nhiễm nước mặt tại các lưu vực sông và một số sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần phích nước Rạng Đông, sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do vụ việc đổ bùn thải trái phép tại tỉnh Hòa Bình, sự cố tràn dầu trên sông Sài Gòn...

Tin cùng chuyên mục