
Từ ngư dân đến người làm du lịch
Từ những ngư dân làng chài Nam Ô bao đời gắn bó với biển cả, nay nhiều người đã trở thành hướng dẫn viên du lịch, làm dịch vụ đón khách tham quan làng nghề nước mắm. Sự chuyển đổi ấy không chỉ là thay đổi công việc, mà còn là thay đổi tư duy – từ “làm để sống” sang “làm để phát triển mạnh hơn”.

Sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú (41 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam) giờ là một hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour trải nghiệm làng nghề nước mắm truyền thống. Với anh, nước mắm không chỉ là gia vị, mà là “chất dẫn” để kể câu chuyện văn hóa địa phương đến với du khách – đặc biệt là bạn bè quốc tế.
“Tôi liên kết với các công ty du lịch, đưa khách đến trải nghiệm làm mắm, nghe kể về lịch sử làng, thăm rừng nguyên sinh, ghềnh đá... Không chỉ là tham quan, mà là hiểu về đời sống và tinh thần người làng biển”, anh Phú chia sẻ.

Thương hiệu “Hương Làng Cổ” do anh sáng lập đang dần được biết đến. Trung bình mỗi tuần, làng nghề đón 3–4 đoàn khách, chưa kể mỗi năm còn có hàng trăm lượt học sinh, sinh viên đến nghiên cứu, tìm hiểu.
Không chỉ có nước mắm, vẻ đẹp tự nhiên của Nam Ô như rạn đá rêu cổ hay ghềnh Nam Ô cũng trở thành điểm đến thu hút. Vào mùa rêu xanh phủ đá, du khách nườm nượp đổ về chụp ảnh, thưởng ngoạn. “Vào mùa rêu lên, người còn nhiều hơn đá”, anh Hồ Hải, một người dân vừa bán gỏi cá, vừa giữ xe cho khách, hài hước nói.

Giữ nghề cũ, sống đời mới
Không riêng người làng biển, hàng ngàn hộ dân tại các khu tái định cư vùng giải tỏa cũng đang thích nghi với môi trường sống và nghề nghiệp mới. Cùng với sự phát triển của hạ tầng như cảng nước sâu Liên Chiểu, các khu công nghiệp hay trung tâm thương mại, nhiều người dân đã được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi sinh kế thành công.

Theo ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương đã tích cực triển khai các chính sách an sinh như: tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người thuộc diện chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đưa lao động đi làm việc nước ngoài...
Hàng trăm hộ dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cấp thẻ BHYT, phương tiện sinh kế, sửa chữa nhà cửa – góp phần giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống trong diện mạo đô thị mới.

Làng nghề kiểu mẫu giữa lòng đô thị
Nam Ô đang được quy hoạch trở thành “làng nghề kiểu mẫu” của TP Đà Nẵng – nơi du khách không chỉ được thưởng thức nước mắm mà còn được tham gia quy trình làm mắm, nghe chuyện làng, khám phá các cụm di tích cổ.
Đây là hướng đi vừa giữ gìn di sản văn hóa, vừa gắn kết phát triển kinh tế – du lịch – cộng đồng, thể hiện mô hình phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hành trình đổi nghề ở Liên Chiểu không phải là sự từ bỏ, mà là sự nâng cấp. Người dân không “bỏ nghề” mà giữ nghề theo cách mới – phù hợp với bối cảnh đô thị hóa, đồng hành cùng các dự án trọng điểm. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận – đồng hành – đồng lòng giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, hướng tới một Đà Nẵng phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững.