Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, nguyên liệu cá basa được chế biến thành nhiều loại hình sản phẩm khác nhau như chả cá basa, lẩu, cá viên chiên… Hoặc cùng sản phẩm lẩu, doanh nghiệp tạo ra rất nhiều loại khác nhau như lẩu thái, lẩu mắm, lẩu kim chi… Nhiều doanh nghiệp cho biết, người tiêu dùng ngày càng dành ít thời gian cho công việc nội trợ. Do vậy, ngay từ khâu sản phẩm, doanh nghiệp tập trung phát triển phân khúc sản phẩm đã qua sơ chế, giúp người tiêu dùng rút ngắn thời gian chế biến và thao tác đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Thực phẩm an toàn minh bạch, cho biết hiện tiêu dùng thực phẩm chiếm 15% GDP. Do đó, dư địa phát triển thị trường này rất lớn trong thời gian tới. Hiện cả nước đang có 29.500 trang trại, trong đó có 8.800 trang trại trồng trọt, gần 11.000 trang trại chăn nuôi, 430 trang trại lâm nghiệp, 5.268 trang trại thủy sản, còn lại là trang trại tổng hợp. Về cơ sở sản xuất, cả nước có 631 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn xuất khẩu. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận 2.495 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cục Trồng trọt đã chứng nhận 1.585 cơ sở chứng nhận đạt GAP, 3.500 cơ sở có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường thêm các rào cản kỹ thuật kết hợp với gia tăng hậu kiểm, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, về phía doanh nghiệp, vẫn có nhiều doanh nghiệp dù đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng từ chối thông tin, do lo ngại bị nhũng nhiễu bởi các cơ quan chức năng liên quan.
Một vấn đề khác là công tác thẩm định và cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế. Các cơ quan quản lý chỉ kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo chiến dịch, kiểm soát lô hàng. Các cơ quan chức năng lại kiểm soát không hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm như biên giới, chợ đầu mối, các cảng (bao gồm cảng cá, các cơ sở sản xuất, thương mại, hóa chất, thức ăn và phân bón).
Ngoài ra, tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được cải thiện. Có quá nhiều cơ quan quản lý chịu trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi đó lại không có lực lượng thanh tra kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế này vừa gây ra chồng chéo, vừa bỏ sót trách nhiệm trong quản lý. Đơn cử như cùng một doanh nghiệp sản xuất nhưng nếu có 2 thị trường phân phối là nội địa và nước ngoài, thì sẽ phải chịu sự kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của 2 cơ quan chức năng khác nhau. Vấn đề này đã được các chuyên gia góp ý nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Theo các chuyên gia kinh tế, thay đổi cách tiếp cận quản lý từ phía Nhà nước là rất cần thiết, phải dựa vào cộng đồng để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần phải quản lý theo chuẩn mực chung, tiêu chuẩn chung giống như châu Âu và các nước đang làm. Nhà nước phải xây dựng và công bố lộ trình thực hiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông hộ; doanh nghiệp phải tuân thủ. Có như vậy mới chủ động ứng phó với những tiêu chuẩn mới. Vấn đề khác là phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu, truyền thông… Tự các doanh nghiệp và nông hộ không thực hiện được, mà phải thông qua tổ chức marketing, cộng đồng. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển năng lực của các tổ chức cộng đồng để đưa thương hiệu sản phẩm Việt ra thị trường.
Về phía người tiêu dùng, cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng mua sản phẩm có bao bì, đóng gói, nhãn mác và yêu cầu có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tỉnh táo nhận diện thực phẩm an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, thay vì theo hiệu ứng đám đông như hiện nay.