Đà Nẵng cần đẩy mạnh kinh tế số để tạo bản sắc riêng

Chiều 22-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Chuyên gia về Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" từ đó hoàn thiện nội dung, góp phần ban hành, tổ chức triển khai đề án đảm bảo khả thi, hiệu quả.

 

Với sự tham dự của 100 đại biểu, hội thảo tập trung phân tích, góp ý cho Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng hướng đến 3 lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số
Với sự tham dự của 100 đại biểu, hội thảo tập trung phân tích, góp ý cho Đề án Chuyển đổi số TP Đà Nẵng hướng đến 3 lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trong đó, lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số và 4 lĩnh vực còn lại cần đến nền tảng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển thành phố Đà Nẵng, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN và tầm nhìn TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống. Đề án thực hiện trên các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, tài chính ngân hàng thương mại điện tử,...

Về thuận lợi, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo và đang được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng. Đà Nẵng kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm triển khai thành phố thông minh, nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành. Người dân thành phố có dân trí cao, bước đầu hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới, tuy nhiên chỉ mới chỉ đáp ứng việc phục vụ duy trì, vận hành chính quyền điện tử chứ chưa mở rộng năng lực tính toán, lưu trữ để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh như tính toán song song, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng báo cáo đề dẫn và tóm tắt dự thảo Đề án Chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết là cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ triển khai nhất, cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố thông qua Nghị quyết, Đề án”, ông Quảng cho hay.

Tạo dấu ấn Đà Nẵng từ kinh tế số

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần nhấn mạnh lĩnh vực kinh tế để tạo sự khác biệt so với các địa phương, đặc biệt là cần lưu ý đẩy mạnh chuyển số trong doanh nghiệp, cũng như cần có chiến lược hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để tạo bước đột phá và thay đổi trong dịch vụ công.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN chia sẻ ý kiến
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, Đề án cần tập trung đầu tư vào 2 nội dung là Chính quyền số và Kinh tế số. Từ đó, trọng tâm của nội dung sẽ tập trung vào vấn đề chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước (dịch vụ công) và chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đề án nên có mục riêng về chuyển đổi số doanh nghiệp – trọng tâm kinh tế số.

“Chuyển đổi số sẽ cần một nguồn lực tài chính khá lớn, Đà Nẵng cần tham khảo các nền tảng của Trung ương dùng chung cho nhiều địa phương trước khi xây dựng cho riêng thành phố nhằm tiết kiệm nguồn lực. Sau đó, thành phố cần lựa chọn, xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp chủ lực sử dụng tốt nhất các nền tảng do Nhà nước xây dựng, từ đó có thể hỗ trợ giúp sức các doanh nghiệp khác cùng hướng theo”, ông Quân nói.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT góp ý
GS.TSKH Bùi Văn Ga, thành viên Hội đồng chuyên gia, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, Đà Nẵng cần nhấn mạnh về kinh tế số, đó sẽ là nhân tố tạo nên sự khác biệt của Đà Nẵng so với các địa phương khác. Để làm được như vậy, Đà Nẵng cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, thay đổi tư duy trong cách tiếp cận, quản lý và đào tạo; xây dựng các trung tâm nghiên cứu các sản phẩm thông minh tạo trụ cột cho phát triển kinh tế số.

“Khi xây dựng doanh nghiệp chuyển đổi số, cần nhiều nhân lực để triển khai thực hiện, vì vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần đặc biệt chú ý. Tận dựng nguồn lực từ chính địa phương, ngay từ bây giờ, các cơ sở giáo dục cũng cần bắt tay ngay vào việc xây dựng các đề án nội dung giảng dạy đào tạo liên quan đến nền kinh tế số”, GS.TSKH Bùi Văn Ga chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, trước tiên, Đà Nẵng phải trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp công nghệ số mới, tức chuyển đổi số vừa tạo ra kết quả nhanh để có niềm tin vừa phải tạo nên sự phát triển đột phá, bền vững. Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng nhất về chuyển đổi số với 3 yếu tố như mức độ sẵn sàng cao, địa phương có dân số lý tưởng để chuyển đổi số (trên khoảng 1 triệu), chính quyền năng động,...

Tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở TT-TT và Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT)

Tại hội thảo, UBND TP Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số TP Đà Nẵng với “Ngày chuyển đổi số TP Đà Nẵng 28-8" và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng giữa Sở TT-TT và Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT).

Biên bản gồm 8 nhóm nội dung trên các lĩnh vực chính gồm: (1) cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; (2) phát triển dữ liệu số; (3) phát triển nền tảng số; (4) phát triển ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số và thành phố thông minh; (5) phát triển kinh tế số; (6) phát triển xã hội số và truyền thông; (7) nâng cao nhận thức và đào tạo; (8) phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục