Đà Nẵng: Chăm sóc toàn diện hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19

Trước nguy cơ bùng phát trở lại của đại dịch Covid – 19, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Đà Nẵng đã và đang siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Y tế.

Nhân viên y tế được trang bị đầy đủ để phòng chống dịch
Nhân viên y tế được trang bị đầy đủ để phòng chống dịch

Gần 3 tháng hoạt động trở lại sau lệnh phong tỏa, bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang áp dụng các bước phòng dịch ở mức cao nhất... Tất cả người dân khi vào khám, chữa bệnh đều phải thực hiện các bước khuyến cáo theo nguyên tắc 5K.

Tại Khoa cấp cứu hay khám bệnh đều được duy trì hình thức phân luồng, sàng lọc ngay từ đầu. Tất cả bệnh nhân, nhân viên vào đây có triệu chứng ho, sốt, khó thở hay triệu chứng mất vị giác, các biểu hiện liên quan nghi nhiễm Covid thì đều có khu khám sàng lọc phân luồng ở phía trước. Nếu bệnh nhân nặng thì có khu phân luồng, sàng lọc tại Khu cấp cứu.

Vấn đề giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt

Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận từ 1.200 – 1.400 bệnh nhân đang điều trị nội trú, giảm một nửa số lượng bệnh nhân so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Bệnh viện cũng áp dụng mô hình “chăm sóc toàn diện” cho bệnh nhân và không tiếp nhận người nhà vào chăm sóc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở.

Theo Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Anh, khoa hồi sức, bệnh viện Đà Nẵng, thay vì người nhà chăm sóc bệnh nhân thì nhân viên y tế sẽ đảm nhận phần công việc này trong suốt quá trình điều trị nội trú và bệnh nhân sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào.

“Chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 vất vả hơn cả, chúng tôi phải thay người nhà làm hết những công việc liên quan đến bệnh nhân, dù là nhỏ nhất. Thậm chí, những bệnh nhân nặng lo lắng về tình hình thể trạng của họ, chúng tôi cũng sẵn sàng giải đáp để trấn an tinh thần bệnh nhân. Dù vất vả, tuy nhiên điều mà chúng tôi thấy vui nhất không chỉ là những lời an ủi, động viên, tiếp sức từ bệnh nhân, mà chính là nhìn thấy những bệnh nhân của mình khỏe mạnh từng ngày”, bà Ngọc Anh nói.

Khai báo y tế, đo thân nhiệt tại sảnh bệnh viện Đà Nẵng

Trong suốt quá trình điều trị nội trú, bệnh viện sẽ cung cấp số điện thoại các khoa phòng, kết nối với người nhà để cập nhật tình trạng sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất. Nhờ đó, bệnh nhân đều yên tâm điều trị khi không có người nhà bên cạnh.

Với mục tiêu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, xây dựng chuyên khoa vệ tinh đều được xem là biện pháp tối ưu hiện nay, theo Bác sỹ CKII Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hầu như các bệnh viện tuyến quận, huyện đều là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại bệnh viện Đà Nẵng chỉ tập trung giải quyết những ca bệnh nặng mà ở những bệnh viện tuyến dưới không thể giải quyết. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho bệnh viện trung tâm, hạn chế nguy cơ vỡ trận khi thành phố có dịch bùng phát.

“Cách làm này vừa nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới. Bệnh nhân sẽ được điều trị tại địa phương, giảm bớt chi phí điều trị vì không cần tới bệnh viện trung tâm”, Bác sỹ Thành Trung cho hay.

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, theo ông Nguyễn Tiên Hồng, PGĐ Sở Y tế TP Đà Nẵng, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, đặc biệt là nơi tập trung đông người. Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản, diễn biến của dịch bệnh; sẵn sàng kế hoạch xét nghiệm diện rộng, sẵn sàng các nguồn lực để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong tình huống dịch bệnh quay trở lại.

“Khi phát hiện ca cộng đồng thì chúng ta lập tức triển khai ngay cách ly diện hẹp, xét nghiệm diện rộng để đánh giá mức độ lây lan. Đây là vấn đề quan trọng nhất được rút ra giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh thành công trong đợt dịch vừa qua”, ông Hồng nói.

Bệnh viện  áp dụng mô hình “chăm sóc toàn diện” cho bệnh nhân và không tiếp nhận người nhà vào chăm sóc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở

Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đơn vị đã đề nghị tất cả bệnh viện phải xét nghiệm các thầy thuốc điều trị cho người bệnh ở các khu vực hồi sức tích cực, thận nhân tạo cứ 14 ngày là xét nghiệm đều được bảo hiểm thanh toán và tất cả bệnh nhân có biểu hiện nghi nhiễm.

“Tất cả nhóm giải pháp này chúng tôi đưa thành bộ tiêu chí an toàn bệnh viện gồm 37 nhóm, giao cho sở y tế tổ chức kiểm tra. Tiến tới công khai trên mạng để người dân lựa chọn những bệnh viện nào an toàn cao, an toàn thấp. Bệnh viện nào chưa đạt tiêu chuẩn thì phải đóng cửa để chấn chỉnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục