Đà Nẵng có mạng lưới kinh tế tuần hoàn hướng đến môi trường xanh

Nhận thấy sự cần thiết của việc huy động cộng đồng và tìm ra các giải pháp đồng bộ trong các hoạt động vì môi trường, “mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng” (DCEH) được tạo ra và được đào tạo những chương trình bài bản mang tính bền vững, nhằm lan tỏa nhận thức và tạo tác động lớn trong cộng đồng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Mạng lưới sẽ có các buổi đào tạo, các chuyên gia tư vấn cho các bạn trẻ mong muốn lập nghiệp theo hướng bền vững
Từ năm 2019, Accelerator Lab (AccLab) Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 AccLab toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) mang tinh thần thử nghiệm sáng tạo xã hội. Tại Đà Nẵng, nhóm đã có một số hoạt động tiêu biểu về môi trường, cụ thể như: Thí nghiệm xây dựng mô hình phân loại rác thân thiện tại khu chung cư Cẩm Lệ; Nghiên cứu về hệ sinh thái thu gom rác phi chính thống và tác động của Covid-19 với nhóm ve chai. Trong quá trình thực hiện cho thấy, vấn đề môi trường và rác thải là điều có tính phức tạp cao với nhiều chủ thể liên quan cùng với các yếu tố cơ sở hạ tầng, văn hóa, thói quen lâu nay khó thay đổi.
Đà Nẵng có mạng lưới kinh tế tuần hoàn hướng đến môi trường xanh ảnh 2 Đà Nẵng có Mạng lưới kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam

Là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia vào mạng lưới, theo bà Sitara Syed, Phó Đại điện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH) sẽ tập trung vào con người và xây dựng nguồn lực cho sự phát triển bền vững và thực hành kinh tế tuần hoàn tại khu vực Miền Trung cũng như giúp phát triển hệ thống quản lý chất thải rắn hiện tại và tuyên truyền cho tiêu dùng xanh. Từ đó, người dân sẽ thấy được những lợi ích tốt đẹp cho môi trường và cộng đồng của hệ thống này mang lại trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lương, đại diện UNDP AccLab Việt Nam, trong năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã hứng chịu nhiều sự kiện thiên tai lẫn nhân tai quan trọng, đặc biệt gần đây nhất là trận lũ lịch sử tại khu vực Miền Trung. TP Đà Nẵng là trung tâm kinh tế văn hoá của khu vực miền Trung và trong chương trình dự án lần này sẽ trở thành tâm điểm lan tỏa làn sóng bảo vệ môi trường trong khu vực.

"DCEH ra đời sẽ kết nối các dự án, giải pháp sáng tạo vì môi trường nhằm ứng phó với các tình trạng hiện tại. Từ đó, phát triển mạng lưới mạnh mẽ nhờ các cá nhân nhiệt huyết cam kết chung tay vì sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng", ông Lương nói.

Đà Nẵng có mạng lưới kinh tế tuần hoàn hướng đến môi trường xanh ảnh 3 Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội
Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0.33kg/người/ngày). Con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050. Mặc dù chỉ đứng thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm.
Những vấn đề trên đã và đang gây ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình phát triển. Theo TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, kinh tế tuần hoàn được coi là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Cụ thể hơn, kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường.

“Đây sẽ là nơi hỗ trợ các dự án sáng tạo vì môi trường, nhằm thúc đẩy cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung; thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực Miền Trung”, ông Khương cho hay.

Hình vẽ minh hoạ các giai đoạn của chương trình Biệt đội Xanh

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết, theo điều tra, trong rác thải sinh hoạt hàng ngày có 18% là rác có thể tái chế. Tuy nhiên, thành phố đang gặp vấn đề về vòng thu gom, tái chế. Ví dụ như rác thải nhựa phải đưa về đâu, thu gom như thế nào, ai sẽ tái chế,… Thông qua DCEH sẽ có những sáng kiến giúp cho Đà Nẵng giải quyết những vấn đề đó.

“Hiện nay tổng lượng rác thải sinh hoạt trên toàn TP Đà Nẵng khoảng 1.200 tấn/ngày và chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Đà Nẵng có diện tích rất nhỏ, việc chôn lấp rất khó khăn nên thành phố rất mong muốn làm sao để giảm thải chất thải rắn”, ông Vinh chia sẻ.

Khởi động mạng lưới kinh tế tuần hoàn ở Đà Nẵng với tập huấn chuyên sâu về kinh tế tuần hoàn cho 35 thành viên của Biệt Đội Xanh

DCEH được “kích hoạt” bằng Chương trình Biệt Đội Xanh cùng Khoá tập huấn (Bootcamp) nhằm tuyển chọn những “sứ giả” môi trường gia nhập Green Avenger (Biệt Đội Xanh). Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ dự án DCEH. Từ đó, những thành viên từ các tổ chức vì môi trường hoặc đang ấp ủ những ý tưởng, dự án tạo tác động xã hội có thể kết nối và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng nhau. Ngoài ra, còn có các buổi đào tạo nhằm tư vấn chuyên môn, trang bị năng lực lãnh đạo, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ kinh phí để các bạn cùng nhau khởi tạo các ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng.

Tin cùng chuyên mục