Đà Nẵng: Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao cho tăng trưởng đạt tối thiểu 10 - 15% giai đoạn 2025 – 2030. Để làm được vậy, Đà Nẵng cần có những chiến lược thực hiện rõ ràng xuất phát từ thực tiễn.
Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ thành lập Tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc
Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ thành lập Tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc

Dựa CMCN 4.0 để thu hút lĩnh vực

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. TP Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Từ năm 2012 đến nay, địa phương đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là Khu Công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được xác định là là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau dịch bệnh. TP Đà Nẵng phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu Công nghệ cao đạt tối thiểu 10-15% giai đoạn 2025-2030.

Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng tiếp cận theo sát xu hướng của CMCN 4.0 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp. Hiện Đà Nẵng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…

Quỹ đất tại khu công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn để thu hút đầu tư

Quỹ đất tại khu công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn để thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đến hết quý I-2023, khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD. Trong đó, khu sản xuất công nghệ cao tỷ lệ lấp đầy đạt 55%, khu nghiên cứu và phát triển (R&D) tỷ lệ lấp đầy đạt 4,45%, khu hậu cần/ dịch vụ logistics đạt hơn 60%.

Đối với dự án vào khu công nghệ cao, ngay từ ban đầu, đơn vị sẽ kết nối nhà đầu tư với Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng sẽ giúp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đối từng vị trí việc làm của dự án nhà đầu tư về kỹ thuật, vốn ngoại ngữ,…

Để có sự đánh giá chuẩn, khi nhận hồ sơ dự án của doanh nghiệp, đơn vị gửi đến sở ngành để thẩm định trong đó có Sở Khoa học- Công nghệ thì sẽ đánh giá về công nghệ cao và sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ sẽ do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ mời chuyên gia, khảo sát thực địa nếu ở Việt Nam và xem qua clip nếu ở nước ngoài.

Đối với dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn, Ban quản lý sẽ thành lập Tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Ban quản lý sẽ bố trí nhân sự của các phòng chuyên môn nghiệp vụ để giúp đỡ từ giai đoạn tiếp xúc gặp gỡ đến lúc nhà đầu tư nộp hồ sơ.

Đáng chú ý, mới chỉ có 8/29 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có thêm 3 – 4 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Theo ông Tiến, thực tế hiện khu công nghệ cao có một số dự án gặp nhiều khó khăn do hậu Covid-19.

Nhiều chiến lược thu hút nhà đầu tư

Tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), Công ty CP Long Hậu đã triển khai khu nhà xưởng phục vụ công nghiệp công nghệ cao và phụ trợ công nghệ cao với quy mô 29,6ha, cung ứng nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu. Diện tích xưởng linh hoạt từ 1.500- 6.000m2, thiết kế đa công năng, tích hợp khu vực sản xuất rộng thoáng và văn phòng làm việc hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn phòng sạch trong sản xuất công nghệ cao.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã có buổi tham quan cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - mô hình nhà xưởng xây sẵn cho nhà đầu tư

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã có buổi tham quan cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - mô hình nhà xưởng xây sẵn cho nhà đầu tư

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty CP Long Hậu cho biết, hiện đơn vị đã tiếp nhận 2 nhà đầu tư Nhật Bản đến thuê và hoạt động thực tế. Theo ông Hiếu, có 2 điểm chính là yếu tố quyết định đầu tư. Đó là nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động tại khu vực xung quanh khu công nghệ cao. Hạ tầng xã hội có thể kể đến như hệ thống nhà xưởng xây sẵn có diện tích nhỏ, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tư vấn đầu tư, nhà lưu trú cho người lao động…

Đồng ý kiến với ông Hiếu, theo ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn Công ty Công nghệ 365 Group, nếu mời gọi nhà đầu tư về một lĩnh vực như logistics, Đà Nẵng cần xét tới “phần mềm” như trường đại học đáp ứng nhân lực, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, quỹ đất phù hợp cho phát triển lĩnh vực, hạ tầng phục vụ sinh hoạt cho người lao động, đội ngũ chuyên gia,…

Các nhà đầu tư trao đổi

Các nhà đầu tư trao đổi

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG (đơn vị tư vấn), Khu công nghệ cao Đà Nẵng là Khu Công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đề cập vấn đề “lực cản”, khu công nghệ cao ở địa phương “sinh sau đẻ muộn” so với 2 khu công nghệ cao ở 2 đầu đất nước, tỷ lệ đầu tư nước ngoài ở miền Trung cũng khá hạn chế. Để thu hút nhà đầu tư, Đà Nẵng cần phối hợp với địa phương lân cận có những chính sách thu hút nhà đầu tư công nghệ cao chứ không thể là nỗ lực riêng của một địa phương. Không chỉ vậy, bản thân lãnh đạo TP Đà Nẵng nên có những cách tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài ở miền Nam, miền Bắc,… có nhu cầu mở rộng, phát triển mạng lưới. Địa phương nên tổ chức xúc tiến đầu tư tại địa phương đang có nhiều nhà đầu tư hoạt động như Hà Nội, TPHCM,…

Tin cùng chuyên mục