Đà Nẵng: Hướng dẫn kiểm kê, tìm cách xây dựng lộ trình giảm phát thải nhà kính

Chiều 27-3, Sở Công thương TP Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam và Công ty cổ phần công trình Viettel tại Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khung pháp lý về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam.

Chuyên gia đề cập đến tổng quan pháp lý và hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Chuyên gia đề cập đến tổng quan pháp lý và hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo đó, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Cụ thể là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính 3.000 tấn CO2/năm tương đương trở lên; nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại có tổng lượng tiêu thụ năng lượng 1.000 tấn dầu tương đương (TOE)/năm trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu 1.000 TOE/năm; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động 65.000 tấn/năm trở lên.

Đối chiếu quy định trên, đối với ngành công thương, Đà Nẵng hiện có 19 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính và tần suất kiểm kê là 2 năm/lần từ ngày 1-1-2024. Ngoài ra, địa phương cũng có 3 công trình xây dựng, 1 cơ sở ngành Tài nguyên Môi trường cần phải kiểm kê.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, hội thảo là hoạt động góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời kết hợp xu thể chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

DSCF2786.JPG
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Dương Chí Công, Chuyên gia tư vấn Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam, với luật bảo vệ môi trường về kiểm kê khí nhà kính, ràng buộc lớn nhất không phải là chế tài nhà nước. Hiện nay chưa có quy định phạt nhưng trong thời gian tới, khi có hạn ngạch mà doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ tương đối ngặt nghèo. “Khi Nhà nước không biết việc phát thải nhà kính của một doanh nghiệp thực tế là bao nhiêu thì họ sẽ tính rất trung bình, có khi là thấp hơn, dẫn đến doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hạn ngạch”, ông Dương Chí Công lý giải.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau nắm bắt, trao đổi, thảo luận về các bước thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở, cách thực hành tính toán phát thải khí nhà kính, cách thức xây dựng lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tin cùng chuyên mục